Truyện cổ tích của các dân tộc trên đất Thái Nguyên
Truyện cổ tích ở Thái Nguyên là cả một kho tàng phong phú về con người, sự vật, đất trời. Có thể kể tới truyện cổ tích của một số dân tộc sau đây:
* Truyện cổ tích của dân tộc Kinh
Kho tàng truyện cổ tích của người Kinh ở Thái Nguyên được sưu tầm sớm. Những truyện cổ tích như Sự tích chiếc nón được lưu truyền và sưu tầm ở vùng Phú Lương nói về nguồn gốc chiếc nón và bà Chúa Tre là một truyện hầu như chỉ thấy ở Thái Nguyên. Hoặc truyện Sự tích Thác Đao cũng là trường hợp tương tự. Ngoài ra, trên vùng đất Thái Nguyên còn có rất nhiều câu truyện cổ tích mang tính phổ biến của người Kinh vùng đồng bằng. Sống xen lẫn với đồng bào các dân tộc thiểu số anh em, người Kinh ở Thái Nguyên đã phát huy sự ảnh hưởng của mình sang các dân tộc khác, đồng thời, cũng tiếp nhận ảnh hưởng của họ. Sự giao lưu này thể hiện từ chữ viết đến tiếng nói, các phong tục tập quán… Sự giao hòa văn hóa, hay nói cách khác là sự ảnh hưởng lẫn nhau về văn hóa trong cộng đồng đã tạo nên sự phong phú cho kho tàng văn học dân gian ở mỗi dân tộc. Do vậy, truyện cổ tích dân tộc Kinh ở Thái Nguyên đã có rất nhiều truyện có nội dung gần gũi, tương tự với truyện các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay… Ở một số truyện có thể nhận biết rõ là của dân tộc Kinh, còn ở một số truyện dấu vết để nhận biết đặc thù dân tộc đã trộn lẫn, hòa quyện vào nhau.
*Truyện cổ tích dân tộc Tày
Truyện cố tích dân tộc Tày Thái Nguyên có số lượng phong phú hơn cả. Phần lớn những câu chuyện này đã được lưu truyền và tồn tại ở vùng cư trú của đồng bào dân tộc Tày Bắc Kạn và Thái Nguyên. Các vùng của người Tày ở đây đều lưu truyền rất nhiều cổ tích với khoảng 185 mẫu kể. Nét tư tưởng phổ quát của cổ tích Tày là con người trong đấu tranh với thiên nhiên và trong đấu tranh xã hội. Các nhân vật cổ tích Tày in đậm bản sắc tộc người. Có lẽ đã có một bộ phận thần thoại và truyền thuyết Tày chuyển bóa thành cổ tích. Tiêu biểu cho nhóm này là truyện các chàng trai khỏe mạnh – các dũng sĩ tài ba trong lao động, diệt yêu tinh, cứu giúp người nghèo, mở núi, khai sông. Họ đều trở thành những vị quan, những ông hoàng, các vị vua tốt của người Tày. Đấy là những truyện như Chín anh em, Pú cấy, Pú té, Lệnh Trừ.
Các nhóm truyện cổ tích Tày được hình thành sớm, có nội dung phán ánh những loại người tiêu biểu trong xã hội có giai cấp:
Truyện về người mồ côi và con người mồ côi (Ý Pịa, Lục Pịa).
Truyện về người thần kỳ đội lốt (Nàng tiên trứng, Chàng rể rùa, Hoàng tử Nai vàng, Nàng tiên khỉ, Sự tích cây trúc).
Truyện người con gái riêng (Ca và Vít, Tua Tểnh – Tua Nhì, Tua Gia – Tua Nhì, Tua Cốc – Tua Nhì).
Truyện người em (Chỉ có một cái đinh, Một bát cơm rang hơn cả làng thổi cơm,…).
Một số truyền cổ tích Tày đặc sắc được nhân dân các vùng Võ Nhai, Định Hóa, Thái Nguyên lưu truyền và đã được sưu tầm, công bố:
- Dân tộc Tày vùng Định Hóa có truyện cổ Nhân Lăng, nội dung kể về hai vợ chồng ông Lý Quang hiếm hoi, về già mới sinh được con trai đặt tên là Nhân Lăng. Nhân Lăng lên trời tìm thần Quỷ Cốc đã gặp con cá thần, gặp nàng tiên Cam, nàng tiên Thọ và đã hỏi hộ thầy Quỷ Cốc ba câu hỏi khó của họ. Truyện cũng giống như truyện Ba điều ước, Ngọc hoàng và anh chàng nghèo khó của dân tộc Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kết thúc câu chuyện, chàng trai mồ côi nghèo khó Nhân Lăng nhờ lao động cần cù, nhờ trí thông minh đã trở thành viên quan, được làm phò mã lấy công chúa, sống cuộc đời hạnh phúc, sung sướng.
- Người Tày vùng Võ Nhai có truyện cổ Chiếc cầu phúc đức kể về một anh chàng chuyên sống bằng nghề ăn trộm. Nghề này xưa kia cả ông và cha chàng đều theo những đến khi họ nhắm mắt xuôi tay đều không để lại được gì. Chàng trai đã quyết tâm bỏ nghề ăn trộm để đi làm nghề đốn củi và cố gắng làm nhiều việc phúc đức như bắc cầu để giúp dân qua sông khi lũ dâng. Việc làm của chàng đã làm động lòng một viên quan võ. Hai người kết làm anh em để cùng nhau làm việc thiện. Điều này đến tai Ngọc Hoàng, người bèn sai thần Gió đưa chàng trai tới hang vàng. Chàng trai từ đó trở nên giàu có. Cuối cùng, chàng trai và viên quan võ đều lấy vợ sinh con, sống sung sướng, hạnh phúc.
- Người Tày vùng Định Hóa có truyện con bò vàng lưu truyền ở vùng Định Hóa, nhân vật của truyện là một ông lão chăn bò nghèo khổ đi làm thuê cho tên nhà giàu. Vì đánh mất một con bò của hắn ta mà ông lão chăn bò suýt bị hắn giết chết. Nhờ có sự cứu giúp của tiên, ông lão đã thoát chết và trở nên giàu có, còn tên nhà giàu bị hổ ăn thịt.
Người Tày vùng Định Hóa có truyện Nàng Bjoóc Rồm (nàng Hoa Rồm) kể về nàng Bjoóc Rồm mồ côi mẹ phải sống với bố và mẹ kế. Trải qua bao nỗi khổ sở do dì ghẻ gây ra với sự giúp sức của hồn mẹ nàng và con chó vàng yêu quý, nàng đã được gặp và cứu sống được hoàng tử con vua. Cuối cùng nàng đã trở thành hoàng hậu, sống cuộc đời hạnh phúc, mụ dì ghẻ thì bị trừng trị thích đáng.
* Truyện cổ tích dân tộc Dao
Truyện cố tích của dân tộc Dao ở Thái Nguyên không phong phú như kho tàng truyện cổ tích của dân tộc Tày. Song họ cũng có những truyện khá đặc sắc như các truyện Nguồn gốc của các dòng họ dân tộc Dao kể về sự tích các dòng họ người Dao vùng Bắc Kạn. Hay như truyện người Dao anh em kể về tính cách, bản chất của người Dao. Truyện Ca La Thòng kể về nhận vật Ca La Thòng mồ côi với cô gái xinh đẹp là con gái út của Long Vương đã đấu tranh chống lại Thiên Vương ham mê sắc đẹp, mưu mô quỷ quyệt. Cuối cùng, nhờ người vợ đẹp và thông minh, chàng Ca La Thòng đã trừng phạt được tên Thiên Vương độc ác, hai vợ chồng sống hành phúc bên nhau đến đầu bạc răng long. Truyện nàng tiên thứ bảy của người Dao có nội dung tương tự như truyện Duyên tiên của người Kinh, song nội dung mang đậm tính dân tộc và là một câu chuyện được người Dao rất yêu thích.
* Truyện cổ tích bằng thơ của dân tộc Sán Chay
Người Sán Chay nói chung và một nhóm người Sán Chỉ ở Thái Nguyên nói riêng có một khi tàng văn họa dân gian rất phong phú dựa trên cơ sở lịch sử phát triển lâu dài của dân tộc này. Đó là một kho tàng dân ca, truyền thuyết, truyện cổ tích, câu đố, truyện cười. Đặc biệt, truyện cổ tích của người Sán Chay có một số truyện thơ rất hay, nội dung hấp dẫn. Đó là truyện Kos Lau Slam (truyện Lau Slam), Sắm Sừ (truyện chàng Cóc), truyện Chàng Út của ông trời, truyện Sáu Vênh, Truyện Cam Lò. Trong các truyện trên, có truyện là truyện thơ tình yêu, có truyện là truyện thơ huyền thoại mang tính chất thần bí có chủ đề đánh giặc hoặc đòi quyền lợi công bằng (như truyện chàng Út). Tất cả truyện trên sử dụng chủ yếu thể thơ 4 câu 7 chữ. Truyện Kó Lau Slam được lưu truyền ở rất nhiều vùng người Sán Chay nói về nữ thần ca hát, vừa kể chuyện theo lối nói (văn xuôi) vừa có thơ xen kẽ, minh họa. Các truyện này được truyền tụng và giữ gìn từ đời này sang đời khác khi thì bằng văn vần, kể chuyện, khi thì qua câu hát. Trong những ngày xuân về, Tết đến, người Sán Chay có truyền thống kể, hát cho nhau nghe những câu chuyện thơ kể trên suốt ngày đêm.