Về Phú Lương xem người Dao Cấp sắc
Qua lễ Cấp sắc người đàn ông dân tộc Dao mới được coi là người lớn, mới đủ tâm, đủ đức, biết phân biệt phải trái, mới có đủ tư cách để cúng Bàn Vương, cúng tổ tiên, mới được đoàn tụ với tổ tiên khi về thế giới bên kia. Nhưng đó chỉ là tục lệ, trên thực tế rất nhiều người đàn ông dân tộc Dao có đủ tâm, đủ đức, đủ trưởng thành để trở thành một công dân tốt dù chưa làm lễ Cấp sắc.
Chúng tôi có mặt ở bản Khe Nác của xã Yên Đổ (Phú Lương) sớm lắm, khi những giọt sương còn long lanh trên nõn chè, khi sương mù còn buông màn kín bưng các thửa ruộng khô khan, khi những cánh rừng còn ngái ngủ chưa muốn mở tung cánh lá đón ngày mới. Ấy vậy nhưng dân bản Khe Nác còn dậy sớm hơn, bởi từ đêm qua, mà không, từ chiều qua, lúc "chỉ huy trưởng" việc bếp núc hậu cần - cũng đồng thời là thầy cúng Triệu Nho Hội bước vào nhà ông Dương Văn Năm đến giờ, thì mọi người ở đây đều tất bật. Trên nhà, ngoài sân, lửa réo phần phật, dao thớt lách cách, lợn eng éc, gà quang quác, trẻ con nô đùa khanh khách, rõ vẻ tưng bừng một ngày trọng đại của dòng tộc, của dân bản - Ngày cấp sắc cho một công dân người Dao.
Cả đêm qua, nhóm làm vàng mã gồm 5 người đã làm được một thúng to đặt trên nóc tủ, đang tiếp tục làm thúng khác. Vàng mã là những tấm giấy dó màu trắng, mỗi tấm có chiều ngang khoảng 3 đốt tay, dài khoảng gang tay, người ta phết mực nho vào con dấu hình rồng của dòng tộc rồi ấn vào tấm giấy, gói buộc lại bằng một sợi rơm vàng, vậy là được 1 miếng vàng mã rồi.
Thầy cúng Triệu Nho Hội nặng tai nên cứ phải ghé sát, nói to như quát vẫn "hở hở" hỏi lại những truyền bảo công việc thoăn thoắt. 20 cân gạo nếp hoa vàng do gia đình cấy hái, nhặt từng bông thóc, lựa từng hạt gạo no tròn như những hạt ngọc trắng muốt đó đem nhờ một bà mế phúc hậu trong làng ngâm từ hôm trước, giờ để ráo nươc, xóc thêm muối chuẩn bị làm món oản. Không biết từ đời nào, các cụ của người Dao đã truyền bảo con cháu là phải lấy lá cây Vài trên rừng để gói gạo làm oản cho lễ Cấp sắc. Thày Hội đưa tôi xem bao tải lá Vài treo trên sào bếp. Những chiếc lá to bằng 2 bàn tay, có cuống dài, nhọn. Vốc 1 nắm nhỏ gạo nếp cho vào lá, vun gọn ghẽ, gói lại, lấy cuống cài chặt rồi đem hấp, khoảng 200 "chiếc" oản như thế để khao âm binh, khao chúng sinh cho một lễ Cấp sắc. 3 con lợn khoảng 60 kg/con đã thịt một con ăn dông dài hôm nay, còn 2 con khác gia chủ nuôi nấng vỗ về chiều chuộng từ đầu năm sẽ dùng vào ngày lễ chính phải do đích tay "bếp trưởng" Triệu Nho Hội cầm dao hoá kiếp.
Nhân vật trung tâm hôm nay là ông Dương Văn Năm. Đội mũ nồi đen, mặc áo màu chàm cài khuy vải, ông có vẻ căng thẳng của người làm việc trọng. Thế nhưng, chúng tôi cũng kéo được ông đến bên ấm trà nóng hổi nghe ông đận đà kể về lai lịch dòng họ Dương của ông. Di cư từ Lạng Sơn về Võ Nhai gần 100 năm trước, rồi chuyển dịch dần sang sống ở vùng đất Yên Đổ (Phú Lương) này, dòng họ nhà ông có 9 bậc: Chung, Tài, Hữu, Phú, Quý, Tiến…ông là con trai út của bậc Phú. Sinh năm 1947, ông Năm học trung cấp Sư phạm rồi làm thầy giáo, mới nghỉ hưu được vài năm nay. Ông bảo: - Quy định của dòng tộc là không được vượt người trên, nếu vì lý do nào đó mà người trên mình chưa làm cấp sắc được thì người dưới cứ phải chờ…
Ông Dương Văn Năm sau khi được cấp sắc. Ảnh: M.H Từ cổng, họ hàng, dân bản xúng xính quần áo truyền thống kéo đến. Lúc lắc những quả bông đỏ rực khiến buổi sáng mùa đông như ấm hẳn, dây xà tích đung đưa theo bước chân, chiếc vòng bạc trắng bập bồng trên ngực, các bà, các mế, các chị đẹp như đi hội. Họ nói cười phấn khởi rồi ngồi thành dãy vòng tròn trước sân. Chỉ đám thanh niên là tất bật, cả chi hội phụ nữ và đoàn thanh niên xóm Khe Nác cũng xắn tay rót nước, bếp núc, chợ búa. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn chờ…. Bỗng tiếng kèn, tiếng thanh la xập xèng rộn rã, mọi người xô ra ngõ, reo lên: Các thầy đã đến.
4 thầy che ô, khoác tay nải màu chàm được dòng người rước vào sân. Đi giữa là thầy cả và thầy hai. Chẳng phải ở đâu xa, thầy cả là Dương Quý Thọ ở cúng xã Yên Đổ - có 72 phép, thầy hai Đặng Hữu Cường còn cao tay hơn, có 72 phép và 12 bậc thang nữa được đón từ Chợ Mới (Bắc Kạn) về. Vậy là ngoài 5 thày phụ đảm đương việc bếp núc, kèn, trống…, còn có 2 thầy chính là thầy cả và thầy hai đến làm phép cho người được cấp sắc 7 đèn là ông Dương Văn Năm hôm nay. Mọi người nín thở theo dõi từng bước đi của 2 thầy. Đến trước cửa nhà, các thầy cụp chiếc ô đen, quay mũi ô viết một chữ bí hiểm vào không trung rồi nhẩy phắt qua bậc cửa. Một người có vẻ hiểu việc, ghé tai tôi giải thích: Các thầy đó xin phép cho âm binh được vào nhà để làm lễ đấy.
Khi các thày yên vị trước bàn thờ, nghi lễ bắt đầu tiến hành: Thầy "bếp" Triệu Nho Hội thận trọng lấy chiếc ấm sành trên nóc tủ xuống, pha trà ngon, rót từng ít nước ra 4 chiếc chén nhỏ cung kính dâng lên 4 thầy đang trang trọng ngồi trước bàn thờ. Mỗi thầy nhúng một ngón tay vào chén vẩy nước ra phía sau hai vai mời thần linh rồi mới bưng chén nhấp giọng. Rồi tiếng kèn, tiếng trống, tiếng thanh la rộn rã, thày hai rút đao bắt đầu nghi lễ yểm vào cửa ra - vào, từ giờ phút này đàn bà con gái không được bén mảng, địa phận từ ngạch cửa trở vào đó thành không gian thiêng chỉ dành cho người được cấp sắc và người làm lễ.
Ngóng vào nhà mãi cũng mỏi cổ, tôi quay sang hỏi chuyện một vị khách ngồi cạnh cũng chăm chú quan sát từ sáng đến giờ, anh là Bế Văn Kính, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Đổ. Anh cho biết: Xã Yên Đổ có gần 60% là đồng bào dân tộc ít người. Những ngày quan trọng như lễ cấp sắc của người Dao, lãnh đạo xã luôn có mặt, vừa dự, vừa chung vui, cũng là dịp gặp gỡ, hiểu thêm cuộc sống của người dân. Nhờ anh giới thiệu, tôi mới biết trong những gương mặt chăm chú kia còn có trưởng bản Khe Nác, bí thư đoàn xóm, đại diện các tổ chức của bản và của xã…
Trong nhà ông Năm, các nghi lễ: Khai đàn, mời cụ tổ của gia chủ, đặt tên âm tiếp tục tiến hành. Theo quan điểm của người Dao, người nào không có tên âm (tên bí mật) thì sống không có ma quản, chết không có hồn nên Lễ đặt tên âm rất long trọng và thần bí. Có 3 người được phép đặt tên là người thân của người được thụ lễ, thầy cả và già làng, mỗi người viết cái tên mình nghĩ, vo lại rồi để lên bàn thờ xin ý kiến tổ tiên, sau lễ cúng, người thụ lễ nhúp lấy một mảnh giấy và biết được tên mật của mình là gì.
Từ lúc mới đến, tôi đó chỳ ý đến những chiếc "gậy đèn" kết bằng nứa để ở góc vườn. Những sợi nứa chẻ nhỏ đan thành những cái "bát" tượng trưng cho 3 đèn, 7 đèn. Theo một số người biết việc thì vào lễ, mỗi chiếc " bát" này được cắm một cây nến nhỏ và được người thụ lễ dâng lên đầu. Trong nhà, ông Năm đó cầm cành cây có 7 đèn, cạnh ông là 2 người trong họ cầm cành cây 5 đèn và 3 đèn. Trong suốt thời gian làm lễ, ông Năm luôn phải có ánh sáng của những ngọn đèn này chiếu rọi…
Rời ngôi nhà đang thập thình tiếng trống, tiếng thanh la xập xàng và tiếng người lao xao, tôi tha thẩn lên đồi chè nhà ông Năm. Đang tiết lạnh, những búp chè cằn và săn lại chờ mưa xuân. Xa xa, những cánh ruộng khô bên dãy núi đá cao ngất sẫm màu lạnh lẽo. Cuộc sống nơi đây còn thiếu trước hụt sau. Có lẽ vì vậy mà hơn 60 tuổi ông Năm mới đủ sức làm Lễ Cấp sắc? 3 ngày 3 đêm với nhiều thủ tục phức tạp khiến gia chủ tiêu tốn món tiền mươi, mười lăm triệu đồng, qủa là một gánh nặng cho mỗi gia đình người Dao có con trai cần làm lễ trưởng thành.
Vậy là theo phong tục, từ ngày mai ông Năm mới được coi là người lớn, mới đủ tâm, đủ đức, biết phân biệt phải trái, mới có đủ tư cách để cúng Bàn Vương, cúng tổ tiên, mới được đoàn tụ với tổ tiên khi về thế giới bên kia? Nhưng tôi biết, cả ông Năm cũng hiểu rằng đó chỉ là tục lệ, trên thực tế ông có đủ tâm, đủ đức, đủ trưởng thành để trở thành một công dân tốt từ rất lâu rồi.
Có cách nào vẫn giữ được phong tục mà lại nhẹ nhàng hơn không nhỉ? Tôi cứ miên man nghĩ thế trong khi từ nhà ông Năm tiếng kèn, tiếng trống vẫn rộn ràng.