Nét đẹp “Thành phố Thép”
Khu trung tâm TP. Thái Nguyên. |
Thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và cả vùng Việt Bắc, đã được mệnh danh là “Thành phố Thép”. Thành phố đang thay đổi từng ngày, nhưng tôi lại mong nhiều nét đẹp nơi đây sẽ không bị mất đi…
Tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên nhưng may mắn có thời gian được làm công dân của thành phố khi về công tác tại Quân khu 1. Dưới góc nhìn của một nhà báo, một sĩ quan quân đội, tôi đã cảm nhận được nhiều nét đẹp rất đáng yêu ở đây mà những nơi khác không có được.
Trước hết là về tên gọi “Thành phố Thép”. Theo ý kiến của nhiều cán bộ lão thành hiện đang sinh sống ở TP. Thái Nguyên, tên gọi này gắn liền với Khu Gang thép, cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, niềm tự hào của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Lịch sử đã ghi nhận, ngày 4-6-1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên và chỉ sau đó 4 ngày, Bác Hồ đã trực tiếp về Thái Nguyên chỉ đạo việc xây dựng. Bác nhắc nhở mọi người: “Phải ra sức đoàn kết, thi đua, nhanh chóng hoàn thành kế hoạch” .
Khắc ghi lời Bác, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ và nam nữ thanh niên từ nhiều địa phương trong trong cả nước, trong đó đông nhất là của Thái Nguyên đã nỗ lực ngày đêm san đồi, vạt núi, biến vùng đồi núi hoang sơ thành khu công nghiệp đồ sộ rộng gần 160ha, là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên từ thị xã lên thành phố vào năm 1962.
Trong 5 năm (từ 1959-1964), Bác Hồ đã bảy lần về thăm Thái Nguyên và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo việc xây dựng, hoạt động của Gang thép Thái Nguyên.
Trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên (năm 1964), Bác nói: “Chính sách của Đảng ta là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi. Ngày nay, chính sách đó đã bước đầu được thực hiện. Với Khu Gang thép thì đồng bào Thái Nguyên có thể tự hào rằng, về công nghiệp nặng, thì miền xuôi cần thi đua với miền núi”.
Năm 2016, nhân kỷ niệm 50 năm ngày bắn rơi máy bay Mỹ thứ 999 và 1000 trên bầu trời miền Bắc, làm việc với Ban liên lạc truyền thống Lữ đoàn Phòng không 210, tôi được các đồng chí cựu chiến binh ở đây giải thích về cái tên “Thép” của Thái Nguyên còn có ý nghĩa là tinh thần thép, ý chí thép của quân dân thành phố.
Năm 1965-1966, đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, Thái Nguyên là một trong những trọng điểm bắn phá của địch. Thành phố non trẻ thành lập được vài năm phải oằn mình chống chọi với những làn bom đạn của kẻ thù.
Năm 1972, khi đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, Thái Nguyên tiếp tục được chúng “ưu tiên” dội bom. Chỉ trong khoảng thời gian 12 ngày đêm (từ 17 đến 29-12-1972), thành phố đã “nghênh đón” 1.716 lần máy bay thả bom, trong đó có 42 lần là máy bay B52, gần 3.000 quả bom và tên lửa dội xuống thành phố.
Thế nhưng, quân và dân thành phố Thái Nguyên không chịu khuất phục mà luôn thể hiện “chất thép” ngời sáng, bắn rơi hàng chục máy bay, trong đó có máy bay thứ 999 và 1000 khi chúng xâm phạm bầu trời thành phố.
“Chất thép” của người Thái Nguyên trong chiến tranh hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Thanh niên xung phong Bắc Thái và Bảo tàng LLVT Quân khu 1 (đều ở TP. Thái Nguyên). Đây cũng là hai địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thu hút hàng vạn du khách đến thăm viếng mỗi năm.
“Thành phố Thép” có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như: Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữ hầu hết các di sản mang đậm bản sắc của các dân tộc Việt Nam; chùa Phủ Liễn; đền Đội Cấn; chùa Đồng Mỗ; chùa Đán… Đặc biệt là Khu du lịch hồ Núi Cốc và vùng chè đặc sản Tân Cương.
Hồ Núi Cốc được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ bởi vẻ đẹp non nước hữu tình. Hồ gắn liền với truyền thuyết chàng Cốc, nàng Công, ẩn chứa một tình yêu tuyệt đẹp. Đây là địa điểm thu hút được rất nhiều khách du lịch ở Hà Nội lựa chọn cho ngày nghỉ cuối tuần vì giao thông rất thuận tiện.
Bên cạnh hồ Núi Cốc là những đồi xanh ngút ngàn của vùng chè đặc sản Tân Cương. Từ xa xưa, tỉnh Thái Nguyên đã được tôn vinh là "đệ nhất danh trà" của Việt Nam. Trong tỉnh Thái Nguyên thì vùng đất Tân Cương (ở 3 xã ngoại thành của TP Thái Nguyên là: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu) cho chè ngon nhất. Chè Tân Cương búp đều, nhỏ, hình móc câu, hương thơm cốm, nước xanh ngát, vị chát dư ngọt hậu, uống một ngụm nhỏ mà đầu óc minh mẫn lạ thường.
Đến Tân Cương, du khách sẽ được đắm chìm trong sắc xanh nhẹ nhàng, dịu mát của những đồi chè và mùi thơm quyến rũ từ búp chè, giúp tâm hồn thư thái hơn.
Vẻ đẹp đặc sắc và đáng nhớ nhất của tôi với thành phố Thái Nguyên là những công dân nơi này. Tôi đã đến nhiều đô thị của Việt Nam và thành phố trên thế giới nhưng hiếm có đâu lại có cảm giác bình yên, thân thiện như ở thành phố Thái Nguyên. Hơn một năm thường trú tại đây, tôi chưa hề bắt gặp cảnh cãi nhau, đánh nhau trên đường phố, chưa bị mất trộm, bị các nhà hàng “chặt chém” bao giờ. Nhiều bè bạn của tôi ở các địa phương khác đến đây đã phát biểu rằng, người Thái Nguyên mến khách hiếm có.
Có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên ở thành phố này vào năm 2016. Hôm đó, đồng chí lái xe của cơ quan tôi do trục trặc đồng hồ báo xăng mà xe bị hết xăng trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, phải dừng bên đường ở gần thành phố. Đã có nhiều ô tô dừng lại hỏi thăm và đề nghị được hỗ trợ. Một lái xe là công dân của thành phố Thái Nguyên đã hút xăng từ bình xe của mình, chuyển vào xe của chúng tôi và nhất quyết không lấy tiền.
Từ thực tế, tiếp xúc với người dân thành phố Thái Nguyên, tôi khái quát thành câu đối: “Trai Thái Nguyên đã duyên, còn giỏi/ Gái Phố Thép đã đẹp, lại ngoan”. Câu đối này đã được rất nhiều người tán đồng.
Thời gian gần đây, trở lại Thái Nguyên, tôi rất vui vì thành phố đang thay đổi từng ngày. Rất nhiều đường phố được mở rộng, nhiều nhà cao tầng mọc thêm. Bên dòng sông Cầu thơ mộng, tôi hình dung ra diện mạo của thành phố trong tương lai rất hiện đại và giàu có. Thế nhưng tôi lại lo những nét đẹp truyền thống, đặc biệt là nét đẹp của con người nơi đây liệu có được giữ gìn?