Ty Bưu điện Thái Nguyên năm xưa: Giữ mạch máu liên lạc thông suốt
Trụ sở Ty Bưu điện Thái Nguyên năm 1955. |
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng Thái Nguyên đã tiếp quản và đưa vào sử dụng toàn bộ hệ thống tổ chức, mạng lưới dây máy, thiết bị của “Nhà dây thép” do Pháp để lại. Ty Bưu điện của tỉnh chính thức ra đời. Trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Bưu điện Thái Nguyên luôn giữ vững mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp; phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống của nhân dân.
Ngược dòng lịch sử, từ năm 1965, giặc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh xâm lược miền Bắc. Mục tiêu bắn phá của địch là nhằm phá hoại giao thông, liên lạc, trong đó có mạng lưới bưu chính, viễn thông.
Nằm trên trục Quốc lộ 3, có nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện của Trung ương và địa phương đóng quân, Thái Nguyên là một trong những trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ.
Để đảm bảo vừa củng cố vừa phát triển mạng lưới bưu điện phục vụ tốt trong tình hình mới, Ty Bưu điện - Truyền thanh Bắc Thái đã kịp thời chuyển dịch, sơ tán, phân tán các cơ sở bưu điện từ tỉnh đến các huyện, xã, vừa cải tạo, vừa xây dựng củng cố và phát triển các đường thư, đường điện, tổng đài…
Trong bối cảnh chiến tranh vô cùng khốc liệt, ngành Bưu điện đã di chuyển hàng trăm tấn thiết bị đến nơi sơ tán an toàn, bí mật. Bên cạnh đó, riêng trong năm 1965, ngành Bưu điện đã xây dựng được 50km đường dây vòng tránh và tổ chức 21 trạm bảo vệ đường dây trục, phát triển 271 trạm bưu chính tuyến xã… để phục vụ thông tin liên lạc trong chiến tranh.
Đặc biệt, trong các năm 1966-1967, cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện đã vận chuyển 30 vạn viên gạch, 35 tấn xi măng, 12 tấn sắt, 300m3 cát… xây dựng hoàn thiện đài cơ vụ chính quy V5 phục phụ thông tin liên lạc tại một hang bí mật thuộc xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ).
Từ đài cơ vụ V5, cán bộ, công nhân trong Ngành đã xây dựng tuyến đường dây vượt sông Cầu để kết nối thông tin liên lạc với các huyện trong tỉnh và các địa phương lân cận như: Hà Nội, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn… từ đó kết nối liên lạc đi quốc tế. Với tầm kết nối rộng, chất lượng tốt, đài cơ vụ V5 trở thành một trong những đài cơ vụ hiện đại nhất miền Bắc những năm kháng chiến chống Mỹ.
Nêu cao quyết tâm giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trong mọi tình huống, anh chị em công nhân ngành Bưu điện thường xuyên có mặt trên các tuyến đường dây, khôi phục sự cố ngay cả trong những thời điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhất.
Theo thống kê, năm 1966, máy bay địch đánh phá 277 lần vào đường dây thông tin; năm 1967, máy bay địch đánh phá 72 lần vào đường dây thông tin, phá hỏng hàng chục km đường dây và nhiều đài, trạm thông tin... Sau những lần đó, công nhân ngành Bưu điện lại nhanh chóng sửa chữa, phục hồi để đưa đường dây thông tin liên lạc hoạt động trở lại.
Trong quá trình đó, máu xương của không ít cán bộ, công nhân ngành Bưu điện đã đổ xuống để bảo đảm cho thông tin liên lạc được thông suốt. Năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ hai đối với miền Bắc. Máy bay B52 đã ném bom ác liệt tại nhiều khu vực dân cư của TP. Thái Nguyên như: Cam Giá, Phú Xá, Tích Lương, Túc Duyên… Ngành Bưu điện vẫn vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, góp phần đắc lực vào thành tích sản xuất, chiến đấu của địa phương.
Tự hào với truyền thống của mình trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Bưu điện Thái Nguyên không ngừng trưởng thành về mọi mặt và nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Bưu điện tỉnh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đặc biệt, năm 2000, cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận những chiến tích của cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện tỉnh trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông Trần Cao Hoài, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết thêm: Từ năm 2008, theo chủ chương của Chính phủ, Bưu điện Thái Nguyên chia tách thành Bưu điện Thái Nguyên và Viễn thông Thái Nguyên. Trong đó, Bưu điện Thái Nguyên là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam làm nhiệm vụ tổ chức cung cấp dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí công ích và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại các điểm giao dịch; thực hiện một số công đoạn trong quy trình cung cấp dịch vụ viễn thông, tin học.
Phát huy truyền thống cách mạng, các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện luôn trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo... phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng năm 2021, đơn vị đạt doanh thu trên 357 tỷ đồng; năng suất lao động bình quân đạt: 196,8 triệu đồng/người/năm; nộp ngân sách trên 11 tỷ đồng…