Vướng mắc trong xây dựng trạm biến áp Quyết Thắng
Nhiều hạng mục của DA đang bị thi công dang dở do một số hộ dân tại xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng không đồng thuận giải phóng mặt bằng. |
Năm 2020, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã quyết định đầu tư xây dựng thêm trạm biến áp (TBA) ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) để giải quyết dứt điểm tình trạng điện yếu nhiều năm qua tại địa phương này. Tuy nhiên, việc triển khai dự án (DA) trên thực tế gặp phải khó khăn do vướng mắc về mặt bằng thi công...
Nhiều năm nay, hơn 135 hộ dân thuộc 3 xóm: Nam Thành, Trung Thành và Cây Xanh của xã Quyết Thắng phải sử dụng điện yếu. Nguyên nhân là do các hộ dân này kéo điện từ các TBA nằm cách xa nhà từ 1,5-2km. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày một tăng cao khiến cho các TBA thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Ông Vũ Đình Phước, Phó Giám đốc Điện lực T.P Thái Nguyên cho biết: Để khắc phục tình trạng này, năm vừa qua, Công ty Điện lực Thái Nguyên tham mưu với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư kinh phí xây dựng thêm TBA (công suất 250KVA). Theo đó, DA sẽ đầu tư mới 1.403m đường dây 22kV với 20 vị trí cột kèm theo máy biến áp; dự kiến hoàn thành đóng điện và đưa vào sử dụng trong tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, tiến độ thi công DA bị chậm so với kế hoạch, nguyên nhân là do vướng mắc về mặt bằng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện có 13/20 vị trí cột của DA chưa thể xây dựng do có 6 hộ dân ở xóm Nam Thành chưa đồng thuận hiến đất, giải phóng mặt bằng để thi công đào móng các vị trí cột. Diện tích đất phục vụ thi công đào móng cột của mỗi hộ gia đình không lớn (chỉ từ 5-10m2), nhưng các hộ dân không đồng thuận vì cho rằng sau khi bàn giao mặt bằng thì đường dây điện sẽ chạy qua đất ruộng, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Cũng bởi suy nghĩ đó, các hộ dân có ý kiến ngành Điện nên thu hồi, đền bù toàn bộ phần diện tích ruộng nơi có các vị trí móng cột.
Là một trong số những hộ dân đó, bà Hoàng Thị Vinh cho biết: Tôi không đồng ý thực hiện DA vì như vậy đường dây điện sẽ kéo qua ngay cánh đồng của gia đình, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tương tự ông Hoàng Văn Thuyết cho rằng: “Mặc dù vị trí các cột điện được thiết kế nằm trên bờ ruộng của gia đình tôi nhưng chúng tôi vẫn lo lắng dây điện bị đứt khi gặp sự cố và rơi xuống ruộng sẽ gây thiệt hại về cây trồng. Vì thế, tôi mong muốn sẽ được ngành Điện thu hồi toàn bộ diện tích đất trồng của gia đình và đền bù tương ứng”.
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và ngành Điện đã tích cực vào cuộc vận động, tuyên truyền tới các hộ dân, giải thích DA trên không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng mà chỉ hỗ trợ người dân trong quá trình thi công, đồng thời huy động sự đóng góp từ phía người dân. Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Từ khi triển khai thực hiện DA đến nay, chúng tôi đã phối hợp tổ chức nhiều lần đối thoại, giải đáp băn khoăn của các hộ dân về nguy cơ mất an toàn lưới điện. Đại diện phía ngành Điện đã đưa ra bản thiết kế công trình bảo đảm khoảng cách hàng lang an toàn lưới điện theo quy định, nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng thuận. Điều này dẫn đến tiến độ thi công DA bị chậm và tình trạng “khát điện” của hơn 135 hộ dân trên địa bàn vẫn đang bị kéo dài. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, cùng với ngành Điện, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận trong người dân.
Có thể thấy, thời gian qua, ngành Điện không ngừng triển khai các giải pháp về nâng cao độ ổn định cung cấp điện nên người dân của xóm Nam Thành có thể hoàn toàn yên tâm về việc sản xuất nông nghiệp trong hành lang an toàn lưới điện. Hơn nữa, đây là DA không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng mà chỉ hỗ trợ trong quá trình thi công, vì thế, ngành Điện và chính quyền địa phương mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của người dân để DA tiếp tục được triển khai và sớm đi vào hoạt động.