Cao Bằng: Phấn đấu đón 1 triệu khách du lịch trong năm 2022

Cập nhật: Thứ sáu 07/10/2022 - 14:53
 Tái hiện không gian văn hoá dân tộc Mông, Sán Chỉ tại Tuần văn hoá - Chợ tình phong lưu Bảo Lạc năm 2022.
Tái hiện không gian văn hoá dân tộc Mông, Sán Chỉ tại Tuần văn hoá - Chợ tình phong lưu Bảo Lạc năm 2022.

Đến nay, Cao Bằng đã đón tiếp gần 754.000 lượt khách, tăng 111%; tổng doanh thu du lịch đạt 377,4 tỷ đồng, tăng 687,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Những tháng cuối năm, địa phương đang đề ra nhiều giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2022 hoàn thành mục tiêu đón tiếp 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 400 tỷ đồng.

9 tháng qua, khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng đạt trên 8.400 lượt, tăng 537,7% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt hơn 745.000 lượt, tăng 109,4% so với cùng kỳ. Các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, homestay, dịch vụ ăn uống đảm bảo chất lượng; công suất sử dụng phòng ước đạt 42,1%. Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh đón tiếp 1.137 đoàn khách với trên 138.000 lượt khách.

Thực hiện việc phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tổ chức khai mạc chương trình du lịch về nguồn; hoàn thành nhiệm vụ tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tỉnh Thái Lan; bảo vệ thành công hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng…

Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh cho biết, về định hướng chung, Cao Bằng sẽ tích hợp các hoạt động du lịch vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở phát triển du lịch bền vững, hiệu quả và ổn định; phát huy Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh…

Đặc biệt, Cao Bằng sẽ tập trung phát triển du lịch theo mô hình công viên địa chất. Đây là mô hình đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa các yếu tố về lịch sử, cảnh quan, văn hóa bản địa. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng các tuyến tham quan mới của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là tuyến tham quan từ thành phố Cao Bằng đến huyện Thạch An, các điểm đến thuộc thị trấn Phục Hòa (huyện Quảng Hòa); tuyến tham quan kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với Công viên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)…

Trước mắt, những tháng cuối năm, Cao Bằng tiếp tục các hoạt động quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tập trung triển khai hiệu quả Dự án xây dựng điểm đến tại bản Tục Ngã (xã Đức Xuân, huyện Thạch An). Tỉnh thẩm định và cấp phép một số dịch vụ du lịch mạo hiểm; phối hợp với Công ty cổ phần Aplus Việt Nam xây dựng Đề án số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống thực tế ảo, thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025...


Theo Báo tin tức
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: