Quay lại

Giáo dục đại học hướng chuẩn quốc tế - Khó nhưng đầy triển vọng

Giáo dục đại học hướng chuẩn quốc tế - Khó nhưng đầy triển vọng



Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu (ENQA) hay Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) là những thương hiệu không còn xa lạ khi các trường đại học tiệm cận chuẩn quốc tế muốn ghi danh. 

Các trường Đại học Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng khi hoàn thiện và duy trì tốt bộ tiêu chuẩn toàn diện, đa chiều từ các tổ chức này sẽ không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn dần san “phẳng” khoảng cách giáo dục đại học với các nước trên thế giới. Đây cũng là một mục tiêu hướng đến của hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học.

Bác sỹ đa khoa, cử nhân điều dưỡng là 2 chuyên ngành đầu tiên của Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên đạt chứng nhận của Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á (AUN-QA). Sau 2 năm đăng ký, tiến hành kiểm định chất lượng và 120 ngày chờ đợi kết quả, ngày 15-7-2021, chứng nhận này đã đến với thầy và trò Nhà trường.

 

Chứng nhận tiêu chuẩn AUN-QA của 2 chương trình đào tạo trên có thời hạn 5 năm, từ 2021 đến 2026, đòi hỏi đáp ứng 11 tiêu chí khắt khe để đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.

 

Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới, đợt đánh giá lần thứ 202 được thực hiện theo hình thức livestream trực tuyến diễn ra trong 5 ngày. Từng thành viên từ lãnh đạo Nhà trường, các khoa, bộ môn, cán bộ, sinh viên, cựu sinh viên đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các tiêu chí đánh giá hoàn toàn bằng tiếng Anh. Một số tiêu chí của Trường được các chuyên gia của Hội đồng đánh giá cao như: Thiết kế chương trình đào tạo gắn chuẩn đầu ra; cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học; hạ tầng công nghệ thông tin... Trong đó, chương trình Bác sỹ đa khoa còn vượt các tiêu chuẩn AUN đề ra.

Để các trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế không dễ. Theo đại diện của một số trường, có trường mạnh tiêu chí này thì yếu tiêu chí kia. Các tiêu chí còn yếu cũng cần thời gian cải thiện, nâng cao để đáp ứng chuẩn.

Trường chuẩn cần giảng viên đạt chuẩn, không phải chỉ đáp ứng chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đối với giảng viên bộ môn tiếng Anh, có được chứng chỉ Tesol như một lợi thế trong đào tạo và nghiên cứu. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, không nhiều giảng viên có chứng chỉ này. Đối với giảng dạy tiếng Anh thì một chứng chỉ quốc tế giúp nâng cao vị thế của một giảng viên. Còn đối với các giảng viên đại học nói chung, ngoại ngữ cũng là một tiêu chuẩn mà các giảng viên cần không ngừng hoàn thiện, nâng cao để tiếp cận với nguồn tri thức quốc tế phong phú.

Chất lượng sinh viên sau đào tạo cũng là một bài toán. Anh Phan Anh Tuấn, một kỹ sư Thái Nguyên đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi được công ty đào tạo lại trước khi trực tiếp làm việc. Thực sự cũng có rất nhiều khác biệt giữa kiến thức được học và công việc thực tế”. Thế nhưng, không ít các quốc gia có chất lượng đầu ra tiệm cận với yêu cầu việc làm. Bà Trương Thị Thu Trà, một nghiên cứu sinh tại Cộng hòa LB Đức cho biết: “Các sinh viên đại học Đức khi ra trường tìm kiếm việc làm không khó, không cần hoặc đào tạo thêm rất ít để có thể đáp ứng được công việc”. Đây là một tiêu chuẩn thường được đánh giá trong các chứng nhận quốc tế và cần cải thiện.

Thực tế hiện nay, Đại học Thái Nguyên chưa có một mô hình trường đại học nào được công nhận chuẩn quốc tế. Các trường sẽ không có một “bản mẫu” để dựa vào đó rút ra kinh nghiệm và xây dựng chuẩn. Việc xây dựng một trường đại học đạt chuẩn các tiêu chí quốc tế cũng là một gợi mở để nâng cao vị thế và năng lực đào tạo của Đại học Thái Nguyên nói chung và các trường thành viên nói riêng.

Thái Nguyên là một trong trung tâm giáo dục đại học lớn của cả nước với trên 140 ngành đào tạo, gần 50 nghìn sinh viên tốt nghiệp các trình độ đại học trong giai đoạn 2015-2020. Không thể phủ nhận thế mạnh, kết quả hoạt động đáng ghi nhận của các trường đang cho thấy nỗ lực đổi mới, phát triển và hội nhập của giáo dục đại học hôm nay.

Trực tiếp chứng kiến không khí học tập của các sinh viên quốc tế trong chương trình tiên tiến của Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chúng ta mới cảm nhận rõ môi trường học tập hội nhập quốc tế thế nào? Hiện có hơn 100 sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia như: Philippines, Indonesia, Lào, Pakistan, Bangladesh, Timor-Leste… đang theo học tại đây. Ngoài ra, hàng năm cũng có hàng trăm lượt sinh viên trong các chương trình trao đổi sinh viên dài hạn và ngắn hạn tại chương trình tiên tiến. Việc xây dựng một môi trường học tập quốc tế là nền tảng để xây dựng các chuẩn quốc tế và nâng vị thế cho các trường thuộc Đại học Thái Nguyên.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào đào tạo không chỉ là cách mà Đại học Y – Dược Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn AUN mà còn là nỗ lực để hướng tới tuyển sinh quốc tế trong những năm tới đây. Hệ thống đào tạo E-learning được triển khai hiệu quả qua 6 năm, 6 giảng đường thông minh đang vận hành, đặc biệt, công nghệ thực tế ảo được đưa vào các bài giảng đang phục vụ đắc lực nhiệm vụ đổi mới chương trình đào tạo và đổi mới tư duy của người học. Cùng với Đại học Y – Dược, các trường đại học đã và đang vận dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ một cách phù hợp đối với các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo của mình.

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế là một cơ hội mang chuẩn quốc tế đến gần hơn với môi trường giáo dục đại học. Từ 2018 đến 2020, Đại học Thái Nguyên có trên 3.700 lượt khách quốc tế đến từ châu Á, châu Âu, châu Úc triển khai ký kết, thỏa thuận hợp tác; học tập, thực tập; hội thảo quốc tế, giảng dạy; thực hiện dự án. Cùng với đó, trên 2.000 lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đã ra nước ngoài học tập, thực tập và nghiên cứu. Từ những hoạt động này, sinh viên tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế, nâng chuẩn đầu ra; giảng viên tiếp thu tinh hoa từ đào tạo, tổ chức hội thảo, tiếp cận với các dự án quốc tế; nhà trường tiếp cận với các tiêu chuẩn của trường đại học quốc tế …

Thực tế trong những năm qua, nhiều trường đại học đã liên kết với các tổ chức giáo dục quốc tế để đưa vào giảng dạy các chương trình Tin học và Ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh Ngoại ngữ được coi như chiếc “chìa khóa” mở cửa tương lai cho giới trẻ, thì Tin học và các kỹ năng mềm cần thiết đang được nhiều trường đại học đưa vào chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên hành trang thiết yếu giúp các em tự tin bước vào thị trường lao động hội nhập khi rời giảng đường.

Chuẩn kiểm định chất lượng AUN hay các tiêu chuẩn quốc tế đang là mục tiêu mà các trường đại học của Thái Nguyên, nhiều trường đại học tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á hướng tới, đó là xu thế và yêu cầu tất yếu. Thông qua hoạt động đánh giá ngoài, các trường sẽ nhận ra những điểm mạnh và tồn tại của chương trình đào tạo để lên kế hoạch cải tiến, khắc phục. Ngoài ra, các tiêu chuẩn quốc tế như một sự khẳng định với xã hội về chất lượng sản phẩm đầu ra của các chương trình đào tạo, uy tín của các trường đại học, nâng cao vị thế của sinh viên sau khi tốt nghiệp qua đó giúp các em tiếp cận việc làm dễ dàng hơn…

Lan Anh – Lăng Khoa

Cập nhật: Thứ bẩy 31/07/2021 - 16:58