“Trái ngọt” từ công nghệ
Những cây bưởi đào được trồng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Trường Đại học Nông lâm sau hơn 1 năm đã cho thu hoạch. |
Thái Nguyên là tỉnh có điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu khá thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Với vai trò chuyển giao, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai nhiều dự án, mô hình KHCN về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng bưởi đào đường, mít siêu sớm da xanh trên địa bàn xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên, anh Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm Dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho một số giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Trường Đại học Nông lâm, chia sẻ: Mô hình này được chúng tôi triển khai từ cuối năm 2019 và được đầu tư khá công phu. Ngoài hệ thống tưới nước hoàn toàn tự động, việc lựa chọn, kiểm định cây giống cũng như quy trình chăm sóc được thực hiện khá gắt gao. Mô hình được liên kết với người nông dân để thực hiện nhằm chuyển giao KHKT cho bà con. Ngoài triển khai tại T.P Thái Nguyên, chúng tôi còn thực hiện mô hình tại 2 xã Bản Ngoại và Quân Chu (Đại Từ). Sau hơn 1 năm, cây trồng tại mô hình đã cho những trái ngọt đầu tiên.
Không chỉ mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho các giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh được giao cho Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi thực hiện hiệu quả, những năm qua, Sở KH&CN tỉnh đã phối hợp với các trung tâm, đơn vị khác thực hiện rất nhiều dự án, mô hình chuyển giao KHKT cho người dân.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Sở đã thực hiện 230 nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các đề tài, dự án ứng dụng KHKT bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nội dung nghiên cứu tập trung vào đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới.
Cụ thể, đối với sản phẩm chè, cơ quan chuyên môn đã triển khai mô hình trồng thâm canh 3 giống chè mới là PH8, PH9 và PH10 theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô 10ha tại xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên); xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè có kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chí của bộ nguyên tắc UTZ Certified, với 48 hộ nông dân, diện tích 12,8ha đã được công nhận; nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến tinh chè xanh; Đề tài: “Thiết kế thử nghiệm hệ thống tưới nước tự động chăm sóc cây chè nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm”...
Mô hình nuôi cá lóc đầu nhím (Channa sp) tại tỉnh Thái Nguyên do Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thủy sản thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên triển khai.
Việc chuyển giao KHKT trong trồng các loại cây, đặc biệt trồng cây ăn quả cũng đem lại nhiều thành công, như: Mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho một số giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh (bưởi đào đường, quy mô 3ha tại huyện Đại Từ; mít siêu sớm da xanh, quy mô 1ha tại T.P Thái Nguyên; xoài Đài Loan, quy mô 1ha, tại huyện Đại Từ; bưởi da xanh, quy mô 1ha tại huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên...)
Đặc biệt, từ Dự án thu thập, lưu giữ, định danh một số loài lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen và xây dựng bảo tàng về các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh đã giữ được khá nhiều loài hoa lan quý hiếm; thu thập được 106 loài lan rừng (trong đó có 24 loài lan rừng quý hiếm), với tổng 2.638 giò lan; xây dựng được khu bảo tồn lưu giữ, trưng bày giới thiệu sản phẩm các loài lan đã thu thập...
Ở lĩnh vực chăn nuôi, Sở KH&CN cũng phối hợp triển khai nhiều dự án ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Ứng dụng KHCN vào xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Anh Vũ; xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất hỗn hợp thức ăn vi sinh nuôi vỗ béo thâm canh bò thịt; áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm vịt trời; ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc...
Có thể thấy, việc đưa tiến bộ KHKT mới đến với người nông dân, thông qua các dự án, mô hình đã góp phần quan trọng trong nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm vật nuôi, cây trồng; từng bước tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN cho hay: Trong thời gian tới, Ngành tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN; đặc biệt là sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Tập trung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học; nghiên cứu ứng dụng thành tựu công nghệ tế bào, nhân nhanh các giống cây trồng nông, lâm nghiệp mới, các sản phẩm đặc thù...