Chú trọng giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm chè

Cập nhật: Thứ hai 12/01/2015 - 10:13
 Các xã viên HTX Chè Tân Hương đang chuẩn bị sản phẩm phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2015.
Các xã viên HTX Chè Tân Hương đang chuẩn bị sản phẩm phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2015.

Hợp tác xã Chè Tân Hương, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) là đơn vị tham gia trồng, chế biến, kinh doanh sản phảm chè và ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng gần xa, bởi chất lượng và uy tín của sản phẩm.

 Theo đại diện lãnh đạo HTX, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công chính là việc các xã viên luôn chấp hành tốt các quy định mà HTX đề ra và luôn quan tâm tới bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm đã được bảo hộ của mình.

 

Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến với HTX Chè Tân Hương. Trời đã về chiều nhưng không khí làm việc tại trụ sở HTX của các xã viên vẫn rất nhộn nhịp. Ở chỗ này, một vài người đang sàng xẩy lọc chè vụn, đóng gói, hút chân không, dán nhãn mác; ở chỗ kia, một số người thì đang thực hiện công đoạn lấy hương… Các xã viên cho biết, họ đang chuẩn bị hàng để chuyển vào Thanh Hóa cho khách hàng bán vào dịp Tết.

 

Cùng nhấp chén trà trong xanh, tỏa hương thơm mát dễ chịu, chị Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX Chè Tân Hương kể: Tính đến nay, HTX đã thành lập được gần 14 năm (từ năm 2001), tuy nhiên, nếu nói về hiệu quả, thì cũng chỉ được khoảng 4 năm trở lại đây. Những năm đầu mới thành lập, mỗi năm, HTX chỉ tiêu thụ được vài ba tạ chè. Đến năm 2010, HTX tiêu thụ được 6 tấn, còn hiện nay, con số này đã tăng lên hàng chục tấn. Riêng năm 2014, HTX tiêu thụ được trên 20 tấn, với doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng (cao hơn năm 2013 khoảng 1,5 tỷ đồng). Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên cổ tức trong năm 2014 mà các xã viên được chia đạt 15% (cao gấp khoảng 2 lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng). Để có được kết quả này, chị Nhài cho biết đó là cả một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các thành viên trong HTX trong việc thực hiện và duy trì tốt các quy định mà HTX đưa ra để sản phẩm của các xã viên làm ra không chỉ thơm ngon mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức tối đa. Để chứng minh và tạo được niềm tin với khách hàng, HTX đã nỗ lực, thực hiện nghiêm túc các quy định để được cơ quan chức năng cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” trên bao bì sản phẩm, cùng với đó là được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified - chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán chè có trách nhiệm. Đây là đơn vị đầu tiên của cả nước được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế UTZ (từ năm 2011 và mỗi năm cấp lại 1 lần nếu đủ điều kiện) và từ đó cho đến nay, năm nào, HTX cũng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ này.

 

Qua trao đổi với các xã viên HTX, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là tinh thần, ý thức trách nhiệm của từng xã viên trong việc thực hiện các quy định của HTX rất cao. Bởi hơn ai hết, họ hiểu, để được quyền sử dụng các nhãn hiệu đang có trên bao bì sản phẩm là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả tập thể. Chỉ cần một cá nhân làm không tốt có thể sẽ khiến HTX mất quyền sử dụng thương hiệu và logo đã có và như thế sẽ đánh mất niềm tin với khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh của cả tập thể.

 

Chị Ngô Thị Ngoan, xã viên HTX nói: Mỗi lần HTX được quyền sử dụng thêm một logo thương hiệu, chúng tôi thấy rất vui mừng và tự hào vì nó giúp chúng tôi bán hàng tốt hơn. Việc được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Tân Cương là một ví dụ. Chỉ sau một thời gian ngắn được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này, chúng tôi đã thuyết phục được thêm khá nhiều khách hàng gần xa tin dùng sản phẩm của mình, do đó, số người biết đến HTX ngày càng nhiều, nhờ đó chúng tôi có điều kiện bán sản phẩm với giá tốt hơn trước từ 10-20%. Hiệu quả này đã các tác động tích cực trở lại các xã viên trong việc củng cố niềm tin, cùng như tinh thần, ý thức trách nhiệm với HTX.

 

Để quản lý chất lượng sản phẩm làm ra của từng hộ xã viên, HTX đã chia các hộ xã viên thành 9 nhóm, tương ứng là 9 tổ sản xuất, với 1 nhóm trưởng, quản lý từ 4-8 thành viên là những người ở liền kề với nhau. Nhóm trưởng có trách nhiệm theo dõi, quản lý các thành viên từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và dự kiến sản lượng để trên cơ sở đó, HTX có căn cứ thu mua (tránh tình trạng xã viên nhập chè nguyên liệu từ nơi khác về bán cho HTX). Xã viên nào không tuân thủ đúng các quy định thì lứa chè đó sẽ không được HTX thu mua. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm còn có trách nhiệm hỗ trợ nhau trong việc thu hái để chè không bị quá lứa, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

 

Hiện, HTX có 50 xã viên, tăng 18 xã viên so với lúc đầu thành lập, thuộc 5 xóm: Đồng Lạnh, Đồng Kiệm, Đèo Đá, Cây Thị và Cây Si, với tổng diện tích trồng chè là 12ha, năng suất trung bình mỗi năm đạt 29 tấn chè búp khô. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm mang thương hiệu của HTX, HTX Chè Tân Hương chỉ thu mua những sản phẩm vừa đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo chất lượng. Bởi thế, những diện tích chè không đảm bảo, sẽ không được thu mua. Để khuyến khích xã viên làm chè ngon, những sản phẩm chè đạt chất lượng, ngoài việc trả theo giá thị trường, HTX còn kèm theo giá thưởng từ 5-10% theo giá trị sản phẩm cho xã viên. Hiện, HTX có nhiều loại sản phẩm, đáp ứng đa dạng các yêu cầu của khách hàng, với mức già 200-300 nghìn, đến loại 500-700 nghìn đồng và cao nhất là chè đinh trên dưới 3 triệu đồng/kg (tùy thời điểm).

 

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng chè cũng như thương hiệu của HTX, HTX Chè Tân Hương sẽ đầu tư mua thêm máy móc để trụ sở HTX sẽ trở thành khu chế biến tập trung của các xã viên, đồng thời mở rộng việc thu mua chè tươi trong xã viên để việc chế biến giao cho những người có nhiều kinh nghiệm. Và nói như chị Nguyễn Thị Nhài, tất cả những dự định của HTX trong thời gian tới là nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa thương hiệu của HTX, cũng là để củng cố, giữ gìn các quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” mà HTX đã được cấp.

Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: