Kết nối tiêu thụ na Võ Nhai: Lực đẩy cho nông sản vùng cao
Nhiều đại biểu thích thú với sản phẩm quả na tím của HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng. |
Trong hai ngày 15 và 16-8, UBND huyện Võ Nhai phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh tại khuôn viên Hội trường huyện. Ngoài sản phẩm chính là na của vùng cao Võ Nhai, Chương trình còn có sự tham gia của nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, thế mạnh, tiêu biểu của 9 huyện, thành trên địa bàn.
Độc, lạ, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng tại Chương trình phải kể đến sản phẩm quả na tím của Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Phú Thượng.
Nhanh tay bổ trái na tím đã chín ngọt lịm mời khách tham quan thưởng thức, anh Lành Văn Hữu, Chủ nhiệm HTX giới thiệu: Giống na tím này có xuất xứ từ New Zealand. Đặc điểm khác biệt so với giống na thường là na tím có bộ thân sẫm màu hơn và cành giòn hơn. Quả na tím khi còn bé có màu xanh nhưng càng lớn, màu xanh mất dần và màu tím sẽ xuất hiện. Quả càng lớn thì màu tím càng đậm. Na tím có lớp vỏ khá dày nhưng bên trong thịt quả bùi, ăn có vị thơm và ngọt không thua kém gì các giống na khác.
Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc qua na.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng đã đưa giống na này vào trồng thử nghiệm từ năm 2017, với diện tích 0,5ha. Sau 5 năm bén rễ trên đồng đất Phú Thượng, cây na tím bắt đầu cho năng suất cao, ít sâu bệnh, giá bán cao hơn so với na thường. Thời điểm này, giá na tím đang được bán với giá trên 60.000 đồng/kg. Hiện nay, HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng đang nhân rộng diện tích na tím lên khoảng 5ha.
Ngoài na tím, người tiêu dùng còn chen chân đặt hàng sản phẩm na dai Thái Lan của HTX na La Hiên. Ông Nông Quang Duy, Giám đốc HTX, chia sẻ: Ngoài sản phẩm chính là quả na dai truyền thống “ngon bất bại” trên đất La Hiên, năm nay, chúng tôi trình làng sản phẩm mới là quả na dai giống Thái Lan, kích thước quả tương đối lớn, trọng lượng từ 0,8 đến 1,5kg/quả. Ưu điểm của na dai Thái Lan là quả to, thịt dai, hương vị thơm ngọt, mềm và được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Giống na này có nguồn gốc từ xứ ôn đới nên thích hợp trồng ở các khu vực có độ cao từ 500m trở lên, nghĩa là trồng ở khu vực vùng núi cao. Hơn nữa, đây là giống na rất dễ trồng, dễ đậu trái, cho quả sai.
Sản phẩm trà hoa vàng của bà con nông dân Võ Nhai được nhiều người tìm mua.
Tham gia Chương trình, huyện Võ Nhai còn có nhiều gian hàng của các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, trưng bày những sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: Chè, mật ong, nhãn, chuối, ổi, gạo nếp và dược liệu...
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Toàn huyện hiện có trên 1.600ha cây ăn quả, trong đó cây na có diện tích trên 500ha tập trung chủ yếu tại xã La Hiên và các xã Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến và thị trấn Đình Cả. Năng suất trung bình đạt 120 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 5.000 tấn. Hiện nay, sản phẩm na chủ yếu được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thông qua tư thương và bán lẻ.
Năm 2021, Võ Nhai đã khai trương Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp huyện, hướng tới liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giới thiệu, quảng bá nông sản địa phương đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2022 tại địa phương với sự tham gia của một số siêu thị, trung tâm thương mại (GO!, Minh Cầu, Aloha, Lan Chi…), phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử là một “cú hích” mạnh mẽ, đồng thời là cơ hội cho nông sản Võ Nhai được kết nối, tăng sức tiêu thụ.
Các đại biểu ký kết hợp tác xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại Chương trình, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh: Chương trình nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, giúp cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, khách hàng để hợp tác và phát triển sản xuất - kinh doanh. Từ đó, tạo động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên; định hướng phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh để các sản phẩm nông sản (sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, thế mạnh, tiêu biểu của địa phương…) có khả năng tiếp cận, phân phối vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại; góp phần phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…