Hướng tới Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015:
Mong xây dựng thương hiệu chè Thành Công
Nông dân xóm Bìa, xã Thành Công thu hái chè. |
Cây chè có mặt và gắn bó với người dân xã Thành Công (T.X Phổ Yên) đã trên 50 năm. Hiện, 13/29 xóm của xã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè truyền thống. Vậy nhưng, điều khiến người làm chè ở đây còn nhiều băn khoăn là chè chưa có thương hiệu, đầu ra chưa ổn định và giá bán thấp…
Tổng diện tích chè toàn xã Thành Công là 350ha, trong đó có hơn 136ha chè cành. Nhiều năm qua, chè đã trở thành cây mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân có thu nhập ổn định. Toàn xã có gần 3.700 hộ, trong đó còn 431 hộ nghèo (giảm 204 hộ so với năm 2010); thu nhập bình quân là trên 22 triệu đồng/người/năm. Tuy vậy, điều mà người làm chè vẫn đang mong mỏi, khát khao đó là xây dựng thương hiệu chè trên thị trường tương xứng với chất lượng và công sức mà người dân bỏ ra.
Để tìm hiểu điều này chúng tôi đã thực tế một số làng nghề chè trên địa bàn xã Thành Công. Gia đình anh Đặng Văn Tý, xóm Bìa là hộ đầu tiên chúng tôi tới. Gia đình anh có 7 sào chè, trong đó 4 sào chè cành giống LDP1, mỗi lứa thu được trên 80kg chè búp khô. Diện tích chè cành được anh chăm sóc cẩn thận theo đúng quy trình kỹ thuật nên giá “nhỉnh hơn”, còn giá mặt bằng của các hộ dân trong xã thời điểm này chỉ là 50-200 nghìn đồng/kg. Theo anh Tý thì gia đình anh cũng như các hộ dân khác trong xóm đã được tham gia các lớp tập huấn sản xuất chè sạch và bắt đầu trồng chè cành từ năm 2009. Nhưng đa phần họ làm chè mộc, tức là sao sấy bình thường rồi bán thẳng cho thương lái (hoặc mang ra chợ bán lẻ), không có công đoạn lấy hương, đóng gói. Chính vì phụ thuộc vào thương lái mà tùy từng thời điểm, giá chè rất bấp bênh, đặc biệt từ đầu năm đến nay giá chè thấp, trừ chi phí đi, người làm chè có lãi không đáng kể. Anh Tý cho biết: Chúng tôi mong muốn có thương hiệu chè Thành Công trên thị trường để giá bán chè của nông dân ổn định hơn. Đồng thời được các cấp ngành quan tâm tập huấn nhiều về kỹ thuật làm chè, nông dân chúng tôi được công nhận là hộ sản xuất chè an toàn để xây dựng quy trình làm chè khoa học, chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Khánh, ở làng nghề chè truyền thống xóm Tân Lập đã có trên 30 năm gắn bó với cây chè thì tâm sự: Chè nhà tôi trồng ít phun thuốc, có lúc bị thương lái vào mua chê là lượng búp không đều, soăn và không có độ cốm ngậy. Nếu làm chè mất an toàn để số lượng nhiều, giá cao chắc tôi chẳng dám thử. Ông Khánh nói rồi nhìn ra ngay trước cửa vào nhà là chiếc cổng làng nghề được xây dựng khang trang, bề thế thở dài: Sau khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống năm 2011, chỉ có điểm mới là xóm được xây dựng cổng làng, còn kỹ thuật làm chè và giá bán chè của 36/36 hộ trong xóm không thay đổi là bao so với trước. Vẫn mạnh ai đó làm, giá bán chưa xứng với chất lượng chè. Giá có hợp tác xã chè trên địa bàn thì tốt biết bao.
Không riêng gì xóm Tân Lập, ở hầu hết các làng nghề chè trong xã Thành Công giá bán chè búp khô đều còn thấp. Như ở xóm Nhe có 134 hộ sinh sống, trong đó 110 hộ trồng trên 30ha chè, thu nhập bình quân là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, chè búp khô của xóm sản xuất ra khoảng 180 tấn, giá bán đối với chè hạt là: 40-150 nghìn đồng/kg; chè cành là 120 -200 nghìn đồng/kg (trong khi giá chè ở Phúc Thuận là 120-300 nghìn đồng/kg). Tương tự, làng chè truyền thống xóm Đồng Đông có 139/145 hộ thâm canh trên 28ha chè, sản lượng thu là 90 tấn chè búp khô/năm; cho thu nhập 2,3 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề chè truyền thống xóm Nhội với 118/118 hộ canh tác 21ha chè, thu nhập gần 1,8 triệu đồng/người/tháng…
Thái Nguyên được mệnh danh là đệ nhất danh trà, nhắc đến Thái Nguyên, người ta nhớ ngay đến chè Tân Cương, La Bằng, Trại Cài… Một số địa bàn trong tỉnh, đã làm và giữ gìn khá tốt thương hiệu chè, chính bằng việc xây dựng và duy trì chất lượng sản phẩm. Còn trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện nay, chỉ có vùng chè Phúc Thuận là dần xây dựng được thương hiệu, với một số cơ sở sản xuất và chế biến chè với quy mô lớn như: Công ty cổ phần Chè Ngoại thương Việt Thái có các Sản phẩm Lộc Trà, Cao Sơn Trà; Công ty cổ phần sản xuất - chế biến trà an toàn Vạn Tài với sản phẩm chè ôlong. Với Thành Công, lịch sử và chất lượng cây chè cũng không hề thua kém Phúc Thuận, vậy nhưng chưa có thương hiệu và cơ sở sản xuất lớn chịu trách nhiệm thu mua, cũng không hề có hợp tác xã sản xuất chè, người dân chỉ mua bán lẻ thông thường, theo kiểu mạnh ai người đó làm khiến giá chè chưa cao, là điều thiệt thòi cho người dân. Ở Thành Công, 10 năm nay, chỉ có hộ anh Lê Văn Cương, ở xóm An Hòa là cơ sở thu mua chè, đóng gói nhãn mác lớn duy nhất. Anh Cương cho biết: Gia đình tôi đã đầu tư máy hút chân không, sao, sấy… và theo nhu cầu của khách thường đóng nhãn mác nơi khác. Tôi ít thu mua nguyên liệu chè trong xã. Bà con thấy giá thấp, cũng chưa có ý thức đầu tư nhiều về kỹ thuật làm chè an toàn. Mỗi tháng gia đình tôi thu mua, bán ra 2-3 tấn chè búp khô nhưng chủ yếu là nguyên liệu ở các vùng chè đặc sản khác trong tỉnh...
Nói về vấn đề này, ông Dương Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thành Công khẳng định: Chúng tôi cũng nhận thức rõ được việc chế biến chè của nhân dân trong xã hiện đều theo công nghệ thủ công, chưa được đầu tư phương tiện hiện đại. Sản phẩm của bà con đa số là chè nguyên liệu, chưa được lấy hương và đóng gói bằng bao bì cẩn thận. Chưa có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái khiến giá chè nhiều lúc bị đẩy xuống quá thấp. Vì thế, nâng cao chất lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Thành Công luôn là niềm mong ước và nỗi trăn trở của chúng tôi.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn trong sản xuất, chế biến chè; củng cố và phát huy vai trò của các Ban quản lý làng nghề, qua đó tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu chè Thành Công. Xã rất mong nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ các cấp, ngành liên quan về tập huấn kỹ thuật, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch những vùng chè chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mời gọi cơ sở sản xuất thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con, để sản phẩm chè ngày càng chất lượng, đủ điều kiện vươn tới thị trường trong nước và quốc tế, ông Dương Văn Tuyên cho biết thêm.
Với chất lượng chè không thua kém nhiều so với các vùng chè đặc sản của tỉnh, tin rằng trong tương lai không xa, giá trị của sản phẩm chè Thành Công sẽ được khẳng định, đời sống của bà con sẽ được nâng lên hơn nữa…