Phát triển kinh tế tập thể theo hướng bền vững
Nông dân xã La Bằng (Đại Từ) hình thành các tổ hợp tác hỗ trợ nhau trong sản xuất, chế biến chè như hái chè đổi công cho nhau, thu gom nguồn hàng để kịp thời cung cấp cho khách hàng có nhu cầu mua với số lượng lớn. |
Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án “Tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”. Đến nay, sau 2 năm triển khai, kinh tế kinh tế tập thể ở Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực…
Mục tiêu của Đề án là đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX. Từng bước khắc phục những yếu kém, hạn chế hiện nay của các HTX; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, HTX trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định của pháp luật. - Tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư góp phần xây dựng nông thôn mới. |
Đề án đã đề ra 6 chỉ tiêu: Mỗi năm thành lập mới từ 15-20 HTX và 30 Tổ hợp tác, đến năm 2015 có 430 tổ hợp tác và 400 HTX hoạt động tốt; đến năm 2015 tỷ lệ HTX khá giỏi đạt từ 35% trở lên, giảm tỷ lệ HTX yếu kém xuống dưới 20%; thu nhập bình quân của cán bộ quản lý HTX, xã viên và người lao động tăng từ 1,5-2 lần so với năm 2010; mỗi huyện thành, thị xây dựng được ít nhất 2 mô hình HTX điển hình toàn diện để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh; mỗi xã xây dựng nông thôn mới có ít nhất 01 HTX hoạt động hiệu quả; 100% cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của HTX được đào tạo bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng quản lý kinh tế HTX; nâng số cán bộ quản lý HTX còn trẻ đào tạo nâng cao trình độ đại học lên 5-7% và trình độ cao đẳng, trung cấp lên 30-35%. |
Đã có 6 chỉ tiêu cụ thể được đề ra trong Đề án này và chỉ sau 2 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu đã về đích trước kế hoạch. Cụ thể như chỉ tiêu về thu nhập bình quân của xã viên và người lao động trong hợp tác xã (HTX), hết năm 2012, ở HTX nông nghiệp đã đạt 760.000 đồng/người/tháng, tăng 1,4 lần so với năm 2010; ở các HTX phi nông nghiệp đạt 2.200.000 đồng/người/tháng, tăng 1,5 lần so với năm 2010, trong khi mục tiêu đề ra là đến năm 2015 mới đạt con số này. Theo đó, tỉnh ta phấn đấu giai đoạn 2011-2015, mỗi năm sẽ thành lập mới từ 15-20 HTX và 30 tổ hợp tác. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 500 tổ, nhóm hợp tác và 322 hợp tác xã (HTX), tăng 218 tổ, nhóm và 49 HTX so với năm 2010, hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), vận tải, thương mại, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và dịch vụ môi trường, điện, thu hút hằng trăm nghìn lao động tham gia.
Về việc mỗi huyện xây dựng được ít nhất 2 mô hình HTX điển hình toàn diện để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, các địa phương đã lựa chọn được một số HTX hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó, năm 2012, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị được Liên minh HTX Việt Nam công nhận HTX điển hình tiên tiến toàn quốc là: HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công (T.X Sông Công); HTX Vận tải ô tô Tân Phú, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên); HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Liên Sơn, xã Sơn Cẩm (Phú Lương). Theo cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đức Điểm, Chủ nhiệm HTX Vận tải ô tô Tân Phú: Trở thành HTX điển hình là do HTX đã làm tốt công tác tuyên truyền, từ đó, bà con xã viên đã hiểu rõ hơn vai trò cũng như lợi ích của mô hình HTX kiểu mới khác với trước đây, đặc biệt là quyền của xã viên. Chính vì thế, các xã viên được khai thông tư tưởng, đẩy lùi vướng mắc, tạo sức mạnh tinh thần thúc đẩy bà con hăng hái làm việc và sáng tạo trong lao động. Ngoài ra, HTX đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, công cụ lao động, phương tiện sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đồng thời đào tạo, bồi dưỡng người lao động… Còn ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm (Phú Lương) cho rằng: Việc xây dựng HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Liên Sơn trở thành HTX điểm thành công là do chúng tôi đã có sự lựa chọn mô hình đúng đắn cũng như luôn tạo mọi điều kiện để HTX phát triển.
Theo đó, trong năm 2011 và 2012, đã có 7 huyện, thành xây dựng được từ 2 mô hình HTX điển hình tiên tiến trở lên là: Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên. Đối với việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng HTX hoạt động hiệu quả tại các xã nông thôn, đến nay, trong số 35 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đã có 28 xã với 41 HTX hoạt động có hiệu quả. Đối với 108 xã không thuộc xã điểm đã có 73 xã với 152 HTX hoạt động khá ổn định.
Mặc dù đã đạt được những kết quả như vừa nêu trên nhưng nhiều chỉ tiêu đề ra đến nay vẫn đạt thấp. Theo kết quả phân loại năm 2012, số HTX khá, giỏi của tỉnh mới chiếm 21,2%; số HTX trung bình chiếm 49,5% và HTX yếu, kém còn tới 29,3% (chỉ tiêu đề ra đến năm 2015, số HTX khá, giỏi chiếm 35%; HTX yếu kém chỉ còn dưới 20%). Điều đáng nói là đến nay, vẫn còn 2 địa phương mới xây dựng được 1 mô hình HTX điển hình là huyện Định Hóa và T.X Sông Công. Ngoài ra, toàn tỉnh vẫn còn 35 xã chưa có HTX. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX cũng đạt kết quả thấp khi mà 2 năm qua, chỉ có 582 người, trong tổng số 1.557cán bộ hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạt 37,4% (mục tiêu đề ra là đến năm 2015 phải đạt 100%). Ông Lê Huy Nhỡn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, thực hiện có hiệu quả Đề án này, thời gian tới, tỉnh ta cần tập trung củng cố nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các HTX, đảm bảo những quy định của pháp luật. Các đơn vị cần tuyên truyền, vận động phát triển những loại hình HTX ở địa phương; chú trọng phát triển mô hình HTX mới, HTX trong vùng nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng làng nghề; tập trung phát triển các loại hình hợp tác mới trong các lĩnh vực kinh tế trang trại, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các ngành nghề truyền thống… Đặc biệt, ở lĩnh vực nông nghiệp, các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng đa ngành nghề, mở rộng các loại hình dịch vụ cho các hộ nông dân, người dân vùng kinh tế khó khăn; phát triển HTX nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ; hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển gắn với tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn mới.
Phát triển kinh tế tập thể góp phần phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, các HTX cần phát huy nội lực, tận dụng mọi nguồn lực, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ đa dạng theo yêu cầu của kinh tế hộ xã viên; coi sự phát triển của kinh tế hộ xã viên là sự tồn tại và phát triển của HTX.