Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, Thái Nguyên được Tập đoàn Samsung chọn đặt “cứ điểm” sản xuất lớn nhất thế giới của họ. Sự có mặt của Samsung và một loạt thương hiệu lớn đã, đang và sẽ đầu tư vào địa bàn như: MASAN Group, FLC, Tân Hoàng Minh, SAIGONTEL, TMS, TNG, VinGroup, T&T Group, Flamingo Holding Group, Central Retail… khẳng định sức hấp dẫn ngày càng lớn của “miền đất hứa” Thái Nguyên.
Việc Tập đoàn Samsung xây dựng cơ sở sản xuất lớn tại KCN Yên Bình đã kéo theo sự hình thành phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hỗ trợ nhóm ngành điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, Samsung Thái Nguyên đã thu hút 150 dự án sản xuất hỗ trợ vừa và nhỏ vào tỉnh, tạo thành chuỗi dự án phụ trợ, dần lấp đầy các KCN tập trung như: Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công...
Từ năm 2013, khi Samsung Thái Nguyên bắt đầu đóng góp, tỉnh có sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
Sau hiện tượng Samsung, Núi Pháo, Thái Nguyên ngày càng bứt phá “thần tốc”, trở thành điểm đến an toàn, “thỏi nam châm” lớn hút các nhà đầu tư. Liên tục những năm gần đây, tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, nhất là nhóm hàng linh kiện điện tử, điện thoại thông minh, may mặc... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 58%, khu vực dịch vụ chiếm 30,5% và nông – lâm nghiệp – thủy sản chiếm tỷ trọng 11,5%.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 7 KCN với tổng diện tích 2.395ha, gồm: KCN Sông Công I - 195ha, KCN Sông Công II - 250ha, KCN Nam Phổ Yên - 120ha, KCN Yên Bình I - 400ha, KCN Điềm Thụy - 350ha và KCN Quyết Thắng - 105ha, KCN Công II mở rộng - 300ha, KCN Phú Bình - 675ha và 1 Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 với quy mô 200 ha.
Đến nay đã có 5/7 KCN được đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đi vào hoạt động (KCN Quyết Thắng đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng, KCN Phú Bình mới được bổ sung quy hoạch) thu hút 240 dự án với tỷ lệ lấp đầy đạt 61%. Trong đó Khu A - KCN Điềm Thụy đạt 100%, KCN Sông Công II đạt tỷ lệ lấp đầy 96,81%, KCN Yên Bình trên 92%. Doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong KCN đạt trên 30 tỷ USD và hơn 8.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Thái Nguyên hiện có 35 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 1.259ha. Trong đó, 16 cụm có chủ đầu tư hạ tầng, 24 cụm có quy hoạch chi tiết, 15 cụm đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã đi vào hoạt động đạt khoảng 44%, thu hút được 71 dự án đầu tư và đang tạo việc làm cho trên 8.800 lao động. Các CCN được quy hoạch và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hương phát triển của tỉnh trong thời gian tới, gắn với phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống đô thị. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.
Về các dự án ngoài ngân sách, trên địa bàn tỉnh hiện có 690 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 122 nghìn tỷ đồng. 165 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 8,7 tỷ USD (trong đó có 127 dự án trong các KCN). Toàn tỉnh hiện có 7.726 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 106 nghìn tỷ đồng.
Khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Thái Nguyên. Giai đoạn 2006 -2010, giá trị xuất khẩu của khu vực này chỉ chiếm 9,17% trong tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thì đến giai đoạn 2011-2015 đã chiếm 96,38%, giai đoạn 2018-2020 chiếm 98%. Riêng năm 2020, số nộp ngân sách của khu vực FDI chiếm 34% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh). Hiện nay, 98,6% số vốn đầu tư FDI vào địa bàn tập trung ở lĩnh vực chế biến, chế tạo với trình độ công nghệ cao.
Để “dọn đường” đón các nhà đầu tư, những năm gần đây, Thái Nguyên đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Hệ thống đường cao tốc, quốc lộ và các trục đường hiện đại giúp di chuyển từ Thái Nguyên đến Sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ đô Hà Nội, các cửa khẩu quốc tế ở phía Bắc và đến cảng Hải Phòng thuận lợi, ngày càng rút ngắn thời gian. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong khuôn khổ pháp lý được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Việc chủ động tạo môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn nhất cả nước thời gian qua. Tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về chỉ số Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 và là tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc. Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thái Nguyên năm 2020 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố (sau Quang Ninh và Đồng Tháp), tăng tới 36 bậc so với năm 2019. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập trung bình tăng từ 51 triệu đồng/người/năm trong năm 2015 lên 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, thuộc tốp cao của cả nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Một trong các đột phá được tỉnh xác định là: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào khu vực phía Nam gồm: T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình, đây là vùng đô thị hóa, công nghiệp và dịch vụ trọng điểm.
Nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng lớn đó, với quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh đề ra 6 nhóm giải pháp cụ thể:
Cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư:
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước).
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian xây dựng cơ bản từ 3 năm đến hết thời gian hoạt động đối với các dự án ở từng lĩnh vực cụ thể.
- Ưu đãi thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10%-20% đối với các dự án ở từng lĩnh vực cụ thể.
- Miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 50% đối với các dự án đầu tư hoặc dự án lĩnh vực xã hội hóa tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù…
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án; nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.
- Giảm 50 % thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế...
Hoài Anh - Lăng Khoa
Cập nhật: Thứ sáu 13/08/2021 - 05:30