Thành phố Thép - “Đầu tầu” băng băng hướng tới
TP. Thái Nguyên - một đô thị năng động, ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: N.N |
TP. Thái Nguyên được “khai sinh” cách nay đúng 6 thập kỷ, khi đó Khu Gang thép mới đi vào hoạt động, công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc đang trong giai đoạn còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Bước qua những thăng trầm của lịch sử, “thành phố Thép” không ngừng phát triển về mọi mặt (quy mô kinh tế, dân số, không gian và hạ tầng đô thị…), khẳng định vị thế tỉnh lỵ và là một trung tâm của vùng trung du, miền núi phía Bắc. Nhìn lại để hướng tới, trên cơ sở vị thế và tiềm lực sẵn có, thành phố đang tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Kinh tế luôn tăng trưởng 2 con số
Đó là kết quả ấn tượng được Thành ủy Thái Nguyên báo cáo tại cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thành ủy cuối tháng 8 vừa qua. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 15,75%/năm, trong đó lĩnh vực mũi nhọn là thương mại - dịch vụ đạt 18,15%/năm. 2 năm đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu trên địa bàn ước đạt 11,3%/năm. Trong đó lĩnh vực thương mại - dịch vụ mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vẫn đạt mức tăng trưởng 10,2%/năm.
Các chỉ tiêu khác trong phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cũng đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, đặc biệt là thu ngân sách (năm 2021 đạt 3.300 tỷ đồng, vượt 950 tỷ đồng so với kế hoạch giao). Kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; công tác thu hút đầu tư có nhiều bứt phá, các nhà đầu tư uy tín như: Vingroup, Flamingo, Indevco, T&T, Danko, Taseco, Saigontel, Him Lam, Telin… đã và đang triển khai gần 100 dự án trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn thành phố, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 200 nghìn tỷ đồng…
Thương mại - dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn của TP. Thái Nguyên, được khai thác hiệu quả, phát triển liên tục. Ảnh: L.K
Nhìn tổng thể thì cơ cấu kinh tế của thành phố những năm gần đây tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó thương mại - dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn, được khai thác hiệu quả, phát triển liên tục cả về quy mô và hình thức. Một số loại hình dịch vụ có lợi thế như: Công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng, y tế… được ưu tiên phát triển, thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Hạ tầng thương mại - dịch vụ không ngừng được đầu tư mở rộng, hiện đại hóa với các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại như: Siêu thị GO!, Vincom Plaza, Trung tâm thương mại Hoàng Gia, Trung tâm thương mại - chợ Đồng Quang, Siêu thị - chợ Minh Cầu… Hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi liên tục gia tăng và hiện có trên 1.000 cửa hàng trải khắp 32 xã, phường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2016 đạt trên 16.000 tỷ đồng, đến năm 2022 ước đạt 32.500 tỷ đồng.
Phát huy truyền thống và lợi thế, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố không ngừng phát triển theo hướng hội nhập, thân thiện với môi trường. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ cao gia tăng, đã hình thành một số lĩnh vực chủ lực như: Sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử, cơ khí, vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp điện… Hạ tầng các cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương năm 2016 đạt trên 5.500 tỷ đồng, năm 2022 ước đạt 12.780 tỷ đồng.
Trong nông nghiệp, thành phố đẩy mạnh phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh. Xác định chè là cây trồng chủ lực, thành phố xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tại các xã phía Tây. Hiện nay, diện tích đất trồng chè của thành phố là gần 1.500ha, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng chè kinh doanh đạt khoảng 685 triệu đồng/năm…
Phát triển nhanh, xanh, bền vững
Những thành tựu nêu trên là rất đáng tự hào, nói như đồng chí Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng: Mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn phát triển của TP. Thái Nguyên đều ghi đậm dấu ấn trí tuệ, mồ hôi công sức của nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc thành phố.
Tuy kết quả và thuận lợi là chủ yếu nhưng trên chặng đường phát triển vừa qua và phía trước, TP. Thái Nguyên cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế, như: Nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn trong khi nguồn lực chưa thể đáp ứng; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ lẻ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp, công nghiệp công nghệ cao chưa phát triển mạnh; công tác cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu…
Người dân xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đóng gói sản phẩm chè chất lượng cao. Ảnh: Q.T
Nhìn thấu những vấn đề đó, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Thái Nguyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền thành phố đã xây dựng lộ trình, nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể trong giai đoạn phát triển tiếp theo (đầu nhiệm kỳ này, thành phố ban hành 19 đề án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị). Cụm từ “phát triển nhanh và bền vững” hay “phát triển xanh” được nhấn mạnh trong nhiều văn bản, thể hiện chủ trương, định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được đồng chí Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng khái quát là: Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tiếp tục phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ giữ vai trò chủ đạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, quan tâm đầu tư hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại đi đôi với tăng cường công tác quản lý đô thị; phát huy tốt lợi thế để thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch; đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, y tế…
Thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đồng thời từng bước di chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra ngoài khu vực phát triển đô thị. Phát triển đa dạng các loại hình thương mại - dịch vụ chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Mục tiêu đến năm 2030, TP. Thái Nguyên là đô thị văn minh, hiện đại, phát triển xanh, bền vững và toàn diện, mở rộng không gian đô thị phía Đông và phía Tây thành phố; là một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số và nhiều lĩnh vực khác, “đầu tầu” phát triển của vùng trung du miền núi Bắc Bộ; người dân có mức sống cao…
60 năm - một chặng đường không ít gian nan nhưng đầy tự hào và thành tựu của TP. Thái Nguyên. Tuy phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với vị thế và tiềm lực của mình, “thành phố Thép” - với vai trò “đầu tầu” - sẽ băng băng hướng tới.