Từng bước xây dựng thương hiệu chè Phúc Thuận

Cập nhật: Thứ ba 17/11/2015 - 08:30
 Bà con xóm Tân Ấp 1 thu hái chè.
Bà con xóm Tân Ấp 1 thu hái chè.

Trong những năm gần đây, sản phẩm chè Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) đã không ngừng nâng cao vị thế, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Với sự đầu tư tích cực để phát triển loại cây trồng mũi nhọn này, trong đó tập trung sản xuất các sản phẩm chè sạch, an toàn, người dân địa phương đã bước đầu có được thành công trên bước đường xây dựng thương hiệu chè Phúc Thuận.

Phúc Thuận là xã miền núi, có tổng diện tích tự nhiên trên 5.200ha, 28 xóm, với gần 3.600 hộ dân. Từ lâu người dân Phúc Thuận đã nhận biết được sự ưu ái của thiên nhiên khi dành tặng vùng đất này một điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp để phát triển cây chè nên đã luôn cố gắng tạo ra những búp chè thơm, ngon, đậm đà hương vị. Cây chè đã bén rễ ở mảnh đất này từ xa xưa, song chỉ thực sự phủ kín đất đồi Phúc Thuận cách đây khoảng hơn chục năm, sau đó nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực, tạo ra nguồn thu nhập chính cho người dân. Đặc biệt là từ năm 2008 trở lại đây, người dân đã tập trung đưa các giống chè cành có năng suất cao như: LDP1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... vào trồng thay thế giống chè trung du, nhờ đó đã dần nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng chí Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, Phúc Thuận là địa phương có diện tích chè lớn nhất T.X Phổ Yên, với trên 600ha, trong đó có 325ha là các giống chè cành. Trong những năm gần đây, cây chè đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã Phúc Thuận, không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà chè đã dần trở thành cây làm giàu của người dân.

 

Đến thăm làng nghề chè truyền thống xóm Bãi Hu, chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những luống chè đang đâm búp tua tủa. Toàn xóm hiện có 180 hộ thì có tới hơn 100 hộ làm chè với tổng diện tích trên 20ha. Nhờ tích cực chuyển đổi diện tích chè trung du sang trồng các giống chè cành nên năng suất chè của xóm những năm gần đây đã tăng lên nhiều. Hiện, mỗi năm Bãi Hu cung cấp ra thị trường khoảng 130 tấn chè búp khô. Chị Phạm Thị Thế, người dân làm chè ở Bãi Hu cho biết: Gia đình tôi có 3 sào chè, do chăm bón tốt nên mỗi lứa thu hái được trên 30kg chè búp khô, giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/kg, mỗi năm thu 7 lứa, gia đình tôi có nguồn thu trên 40 triệu đồng.

 

Bên cạnh việc đưa các giống chè mới vào sản xuất, trong những năm gần đây, bà con Phúc Thuận đã từng bước áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Ban đầu, xã có khoảng 25 hộ sản xuất chè VietGAP với diện tích trên 10ha. Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè từ khâu chăm sóc đến thu hái, bảo quản sản phẩm. Đồng thời, phải tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu đề ra như: Thường xuyên cập nhật sổ sách, ghi chép về tình hình sản xuất, yếu tố nguồn nước tưới, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và thời gian quy định... Nếu như trước đây, mỗi lứa chè người dân phải phun thuốc 2 đến 3 lần mới được thu hoạch thì nay đã giảm xuống còn 1 lần, cách ly thời gian thu hái dài, nhờ đó sản phẩm chè ở đây luôn đảm bảo chất lượng tốt. Không những thế, năng suất chè cũng tăng lên so với trước khoảng 20%, giá bán tăng từ 50-100 nghìn đồng/kg, các chi phí sản xuất về phân hóa học, thuốc trừ sâu... lại giảm đáng kể. Từ kết quả này, đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức của người làm chè.

 

Một điển hình trong sản xuất chè an toàn ở Phúc Thuận phải kể đến gia đình chị Vũ Thị Nga, xóm Tân Ấp 1. Gia đình chị có hơn 7.000m chè đang cho thu hoạch, sản lượng chè búp khô đạt khoảng trên 2 tấn, thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Để có được điều này, chị Nga đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc. Theo chị thì việc sử dụng phân chuồng hoai mục sẽ giúp cho cây chè sinh trưởng tốt, bền cây và ít sâu bệnh. Ngoài ra, việc giữ độ ẩm cũng rất quan trọng đặc biệt là những tháng mùa đông, chính vì thế gia đình đã đào giếng để chủ động nguồn nước tưới cho chè lúc thời tiết khô, không có mưa.

 

Nhờ tích cực đầu tư phát triển cây chè, chú trọng chất lượng sản phẩm nên cây chè Phúc Thuận đã từng bước khẳng định được thương hiệu, được thị trường chuộng dùng. Ngoài ra, đây còn là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm chè cao cấp xuất khẩu như: Ô long, Hồng trà, Bảo trà… Đời sống của người trồng chè Phúc Thuận cũng nhờ đó nâng cao. Trong những ngày này, bà con đất chè đang hân hoan chuẩn bị cho Festival Trà lần thứ ba sắp được tổ chức. Trên các nương chè xanh mướt, bà con rôm rả câu chuyện về ngày hội trà, về những du khách các nơi sẽ biết đến sản phẩm chè Phúc Thuận. Càng vui hơn khi vào đúng dịp này, xã được công nhận thêm 2 làng nghề chè, nâng tổng số làng nghề chè truyền thống của toàn xã lên 10 làng nghề.

Hải Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: