Người bảo tồn Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương
Thương binh Mai Viết Ái là một trong những người tích cực gìn giữ, phát huy giá trị Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. |
Thương binh Mai Viết Ái, xóm Gò Pháo, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), được nhiều nông dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến: Người bảo tồn Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. Còn ông chia sẻ: Chỉ dẫn này nhằm bảo hộ thương hiệu chè trung du lá nhỏ, mong có nhiều người cùng gìn giữ, bảo tồn để hương trà Thái Nguyên bay xa hơn trên thương trường quốc tế.
Không “ồn ào” như nhiều hộ sản xuất, kinh doanh chè trong vùng. Ông lặng lẽ, tần tảo hôm sớm với cây chè trung du lá nhỏ. Ông là một trong những nông dân hiếm hoi ở vùng chè Tân Cương còn “thủy chung” với giống chè truyền thống. Giống chè được trồng từ hơn 300 năm nay đã từng qua đường hàng hải, hàng không đến với người sành ẩm ở nhiều nước trên thế giới.
Ông tâm đắc: Chè trung du là hồn cốt của chè Thái Nguyên. Mình không có ý thức gìn giữ, bảo tồn thì chắc chắn Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương sẽ mai một ở tương lai gần…
Nhìn vườn chè đua búp, mơn mởn tơ non, tôi buột miệng hỏi: Nhiều nông hộ trong vùng dành đất trồng chè lai ngoại cho năng suất cao hơn, sao ông không theo? Ông nói ngay: Chè lai ngoại cho năng suất cao hơn 10kg/sào so với chè giống Trung Du. Nhưng tôi tự phân tích: Chè trung du tuy năng suất thấp hơn, song được nước, đượm vị. Hương trà cũng thanh thoát hơn, uống có vị ngọt hậu. Còn chè lai ngoại pha dậy hương ngay, nhưng sang nước hai đã nhạt thếch, hết cả hương lẫn vị.
Ông đã cân nhắc rất nhiều, rồi quyết định duy trì, gìn giữ giống chè trung du truyền thống. Đó cũng là một quyết định khó khăn khi trong vùng có nhiều hộ chạy theo giống chè lai ngoại.
Ngồi trản trà đàm chuyện làm ăn, tôi mới biết cuộc đời ông gắn bó với cây chè như bạn tri âm, tri kỷ. Các cụ thân sinh đều người miền xuôi lên vùng đất này khai hoang, sống nhờ vào gốc sắn, đám ruộng cằn. Để có hơn 5.000m2 đất cho cây chè trung du đứng chân, sinh lời cho gia đình cuộc sống khá giả như hôm nay, là cả chặng đường dài đổ đẫm mồ hôi, công sức.
Ông tâm sự: Năm 1986, tôi xây dựng hạnh phúc với cô Xuân bên xóm Hồng Thái 2. Cảnh nhà nghèo, vợ chồng sắn khoai thường xuyên thay bữa. Bù lại trời phú cho sức khỏe, hằng ngày vợ chồng quật sức san bạt đồi bãi, bỏ cây vườn tạp lấy đất trồng chè, chỗ đất trũng cải tạo làm ao trữ nước tưới.
Gần 10 năm sắn khoai cõng hạt cơm, vợ chồng ông trồng được hơn 5.000 m2 đất chè, 100% được trồng bằng hạt chè giống trung du lá nhỏ. Bấy giờ, ông cũng không nghĩ mình trồng loại chè này là để bảo tồn, gìn giữ như bây giờ. Mà những năm đó giống chè này được trồng phố biến, chưa có sự lựa chọn nào khác.
Rồi từ trước năm 2000, chè lai ngoại “du nhập” vào vùng chè Tân Cương. Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng giống chè này, nhưng ông đứng ngoài cuộc quan sát và quyết định không chạy theo phong trào.
Để cây chè cho năng suất ổn định, chất lượng cao, ông hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân chuồng, phân xanh. Từ 10 năm gần đây, ông mua thêm đỗ tương về xay nhỏ, ngâm ủ với chế phẩm sinh học EM để bón cho chè. Cách sử dụng phân bón như vậy không làm đất bị nghèo kiệt, luôn tươi xốp, thuận lợi cho bộ rễ của cây chè phát triển.
Để có nguồn phân bón ổn định, ông hợp đồng mua lại từ một số trang trại chăn nuôi trong vùng. Phân ủ hoai mục mới đem sử dụng. Sau một đợt thu hái chè là thời gian thư nhàn, ông cùng vợ con lên đồi chè cuốc hố, bỏ phân. Cách làm này khiến phân không bị mưa rửa trôi, mà ngấm dần trong đất.
Bảo đảm nước tưới, phân bón và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn chè của gia đình ông cho năng suất ổn định, đạt 18kg chè búp khô/sào. Cả năm thu hái 7 lứa chính, đạt sản lượng 1,8 tấn. Ngoài chè của gia đình, ông đứng ra bao tiêu sản phẩm chè tươi của một số hộ trong vùng, khoảng hơn 15 tấn chè búp tươi/năm, tương đương với 3 tấn chè búp khô.
Ông cho biết: Gia đình tôi chuyên về 3 sản phẩm chính là chè tôm nõn, chè đinh và chè đặc sản. Hiện tại, chè đinh bán 2,5 triệu đồng/kg; chè tôm nõn 600.000 đồng/kg; chè đặc sản 300.000 đồng/kg. Tổng sản lượng xuất bán đạt gần 5 tấn chè búp khô/năm, trong đó có khoảng 300 kg chè đinh, 1,7 tấn chè tôm nõn, còn lại là chè đặc sản.
Làm chè chất lượng cao đòi hỏi tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kể từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản sản phẩm. Từ hơn 5 năm gần đây, toàn bộ hệ thống máy chế biến chè đều được ông đặt thợ cơ khí làm bằng vật liệu inox. Chè thu hái được chế biến ngay trong ngày, đồng thời phân loại, cất giữ trong kho bảo quản có hệ thống máy giữ nhiệt. Chính vì thế, ông chủ động được việc bao tiêu sản phẩm, không lo ngại bị tư thương ép giá.
Ông cho biết: Vào tháng Tết Nguyên đán, gia đình tôi phục vụ người tiêu dùng khoảng 1 tấn chè. Giá bán ổn định theo từng loại sản phẩm. 100% sản phẩm của gia đình là chè trung du lá nhỏ, được nước, đượm vị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi luôn quan tâm tới chất lượng sản phẩm, vì chè của gia đình tôi là một trong những hộ được sử dụng Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương.