Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Phương Thái: Đam mê nghiên cứu để truyền cảm hứng cho học trò
PGS.TS Phạm Thị Phương Thái (ngồi ngoài cùng bên trái) hướng dẫn sinh viên thực hành sản phẩm văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày, Nùng. |
“Muốn truyền cảm hứng cho người học thì phải giúp họ thấy thú vị, tìm hiểu rồi đam mê...” - Đó là tâm sự của PGS.TS Phạm Thị Phương Thái (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên) khi mới được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2021. Với quan điểm đó, chị luôn gần gũi, giản dị, sẵn sàng hóa thân vào bối cảnh để tìm hiểu, cảm nhận và luận giải sâu sắc vấn đề rồi mang vào những bài giảng trên lớp.
Vào nghề là một cô giáo dạy Văn bậc THPT ở vùng đồng bào chủ yếu là dân tộc Sán Chỉ. Những phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của dân tộc Sán Chỉ buộc cô giáo dạy Văn phải quen, phải thấu hiểu và thậm chí cả cảm thông. Không hóa thân, không thấu hiểu thì hoạt động giáo dục, dạy học trong nhà trường cũng sẽ khó khăn. Nhận thức như vậy nên sau hơn 2 năm đứng lớp cô giáo trẻ Phạm Thị Phương Thái đã sử dụng thông thạo tiếng Sán Chỉ, thậm chí cùng học sinh hát tiếng dân tộc như người bản xứ.
Năm tháng trôi theo cùng sự cảm nhận ngày càng sâu sắc về đời sống của người dân miền núi trong con người cô giáo Phạm Thị Phương Thái, để rồi sau này khi chuyển về dạy đại học, những giá trị văn hóa của dân tộc Sán Chỉ tiếp tục được cô nghiên cứu và luận giải một cách khoa học
PGS.TS Phạm Thị Phương Thái chia sẻ: Động cơ để tôi nghiên cứu khoa học là để dạy học. Tôi nhận thấy, như một số dân tộc thiểu số khác ở nước ta, đồng bào Sán Chỉ vẫn còn lưu giữ những tập tục toát lên giá trị nhân văn có giá trị về giáo dục đạo đức, đạo lý làm người cho các thế hệ. Tôi nghiên cứu đời sống tâm linh của người Sán Chỉ qua nghi lễ vòng đời nhằm luận giải những giá trị tinh thần trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp. Người Sán Chỉ dạy con cháu bằng văn hóa dân gian, dăn dạy từ bao đời để lại về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn; về đạo đức của một người được công nhận đầy đủ quyền “công dân” của dân tộc, có thể gánh vác nhiệm vụ gia đình, dòng tộc và trách nhiệm xã hội của một công dân thực thụ…
Sau thành công của đề tài khoa học “Nghiên cứu đời sống tâm linh của người Sán Chỉ qua nghi lễ vòng đời” được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận loại xuất sắc, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái bắt tay vào những nghiên cứu sâu trong lĩnh vực văn học, như: Những đóng góp của Nguyễn Trãi về từ ngữ tiếng Việt Văn học và thể thơ qua Quốc âm thi tập; Nghiên cứu diễn tiến các loại thể thơ dân tộc trung đại...
Liên tục từ năm 2012 đến nay, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đã nghiên cứu thành công xuất sắc các đề tài cấp quốc gia, cấp bộ như: Chủ trì 1 Nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước “Những giải pháp cơ bản cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta hiện nay”; Chủ trì Nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh “Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên”, đạt loại xuất sắc; Chủ trì Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nhiệm vụ Nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn”, đang thực hiện; Công bố 5 bài báo khoa học cấp quốc gia, đại học.
Hầu hết các đề tài nghiên cứu của PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đều được đưa vào giáo trình dạy học ở bậc đại học, hoặc nghiên cứu sinh. Đặc biệt, chị còn là chủ biên 1 cuốn giáo trình, 4 sách chuyên khảo; 2 sách tham khảo sử dụng phổ biến trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và là nguồn học liệu tại nhiều trường đại học.
Với phương pháp tiếp cận đối tượng nghiên cứu từ thực tế và cảm nhận bằng những giá trị từ văn học, văn hóa, các đề tài nghiên cứu của PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đã được xuất bản thành tư liệu phim chuyên khảo, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch... Những sản phẩm khoa học và công nghệ này chính là việc cụ thể hóa chủ trương của Đại học Khoa học: Học tập, nghiên cứu khoa học phải gắn với ứng dụng thực tế cuộc sống.
Chia sẻ về những dự định nghiên cứu khoa học của mình thời gian tới, Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái cho biết: Đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới cách tiếp cận văn học, giá trị văn hóa bằng thực tế thay vì học thuộc lòng và truyền thụ kiến thức một chiều từ giáo viên…