Sát cánh cùng nông dân bảo vệ mùa màng
Chị Hà Thị Hồng Nhung, cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên điều tra tình hình sâu bệnh trên cây ngô ở phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên). |
Mộc mạc, gần gũi, miệng nói tay làm, luôn kề vai sát cánh cùng với người nông dân, đó là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc và làm việc với chị Hà Thị Hồng Nhung, sinh năm 1984, cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên. Hơn 15 năm công tác trong ngành Nông nghiệp, chị Nhung đã cùng với các đồng nghiệp chủ động điều tra, dự tính, dự báo sinh vật hại và tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả, góp phần cho mùa màng bội thu.
Sau tốt nghiệp đại học, năm 2007, chị Nhung thi đỗ công chức và được phân công công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật, nay là Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên. Hiện, chị là cán bộ Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, được giao nhiệm vụ điều tra, tổng hợp dự tính, dự báo sinh vật gây hại trên cây rừng, cây ăn quả, cây chè, lúa, hoa mầu và tham mưu chỉ đạo phòng trừ.
Ngoài ra, chị còn chủ động tổ chức, tham gia tập huấn cho cán bộ cấp xã và nông dân về các đối tượng dịch hại trên cây trồng; tham mưu các văn bản chỉ đạo thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật.
Trong công việc, chị Nhung luôn cần mẫn, tổng hợp nhanh, số liệu chính xác, kịp thời và gửi đúng thời gian theo quy định của cấp trên. Hằng năm, chị cùng với tập thể Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tham mưu cho lãnh đạo Chi cục ban hành ít nhất 48 số thông báo định kỳ, 11 thông báo tháng và 10 thông báo chỉ đạo, quản lý các đối tượng dịch hại trên cây trồng như: Bệnh phồng lá, rầy xanh, bọ cánh tơ trên cây chè; sâu đục thân, sâu cuốn lá trên cây lúa; bệnh lùn sọc đen, sâu keo mùa Thu trên cây ngô và một số đối tượng sinh vật hại khác.
Cùng với đó, chị Nhung còn cùng với đồng nghiệp trực tiếp xuống đồng, lội ruộng để điều tra dịch hại trên cây trồng tại các địa phương kiểm tra và dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên địa bàn. Từ đó tham mưu cho lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Chi cục ban hành các văn bản kịp thời và chính xác trước mỗi đợt cao điểm dịch hại.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên, chị Nhung còn tích cực tự bồi dưỡng và rèn luyện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng hiệu quả công tác.
Cụ thể, năm 2020, chị có sáng kiến Xây dựng mô hình sử dụng bẫy chua ngọt quản lý sâu keo mùa Thu hại ngô tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Thành công của sáng kiến là đã xây dựng được mô hình quản lý sâu keo mùa Thu hại cây ngô bằng việc xác định thời gian sử dụng bẫy chua ngọt, bẫy trưởng thành sâu keo mùa Thu trên cánh đồng; giảm mật độ trưởng thành sâu keo, giảm khả năng sinh sản, từ đó giảm mật độ sâu non trên đồng ruộng; giúp giảm áp lực sử dụng thuốc và giảm tính kháng thuốc của sâu keo, giảm độc hại cho con người và môi trường.
Với tinh thần không ngừng học tập, nghiên cứu, năm 2021, chị Nhung tiếp tục có sáng kiến "Áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế nhện đỏ trên cây na". Biện pháp được áp dụng trong sáng kiến là tổng hợp các kỹ thuật về chăm sóc, tỉa cành, tuốt lá, làm cỏ, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luân phiên nhằm hạn chế nhện đỏ theo hướng quản lý có hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường. Số lần phun thuốc để phòng trừ các loại dịch hại trên cây na của ô thí nghiệm đã giảm được 5 lần so với ô đối chứng, giúp giảm mức độ sử dụng thuốc, từ đó giảm tính kháng thuốc của nhện đỏ, giảm độc hại cho con người và môi trường.
Nhiều lần đi cơ sở cùng chị Nhung, chúng tôi nhận thấy chị không quản ngại trời mưa to, nắng gắt hay rét buốt. Khi thấy cây trồng có dấu hiệu xuất hiện sâu bệnh gây hại, chị cùng đồng nghiệp sẵn sàng xắn quần lội ruộng như những người nông dân thực thụ để vạch lá tìm sâu.
Chị Nhung tâm sự: Khi thấy cây trồng bị sâu bệnh gây hại, bản thân những người làm công tác dự báo, dự tính như chúng tôi cũng trằn trọc, mất ăn, mất ngủ để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như đề xuất các biện pháp phòng trừ hiệu quả, giúp cho đồng ruộng của bà con luôn xanh tươi.
Với sự cần mẫn, siêng năng trong công việc, chị Nhung luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2021, chị được Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh tặng Giấy khen đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm (2017-2021).
Nhận xét về chị Nhung, chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên cho biết: Không chỉ cần mẫn, siêng năng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị Hà Thị Hồng Nhung còn luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do cơ quan và cấp trên phát động. Với tác phong giản dị, gần gũi, có tinh thần đoàn kết nên chị Nhung luôn được đồng nghiệp quý mến, tin yêu.