Sa Lung một rẻo
Một góc xóm Làng Giếng hôm nay. |
Cao nhất là Mỏ Ba; xa nhất là Lân Quan; thấp nhất là Làng Giếng; 3 xóm còn lại là Đồng Luông, Đồng Mây và Hồng Phong cũng gồ ghề góc cạnh bởi các dải núi đá ép lại từ 2 bên. Bởi “chung một lối về”, nên người dân xã Tân Long (Đồng Hỷ) gọi 6 xóm này bằng một tên chung - miền Sa Lung.
Sa Lung xa
Các xóm thuộc Sa Lung nằm trải dài trong lũng núi. Độc đạo lối vào, cứ hun hút, dài tít tắp qua những mảnh rừng, lúc len bên mép vực. Cực nhất là lên Mỏ Ba, đường đã mở rộng, trải bê tông, nhưng liên tiếp những cua gấp. Người không quen đường như tôi thỉnh thoảng lại giật mình sau một cú “bó vỉa”, vì chợt thấy đáy ta luy âm ngay dưới bánh xe.
Thế mới là đường vùng cao, cô bạn đồng nghiệp nói trấn an. Cũng khi đó chúng tôi nhận ra sự bao dung của một rẻo đất khuất trong thung núi này đã chở che, nuôi sống những phận người lam lũ. Điều băn khoăn là từ trung tâm hành chính tỉnh (T.P Thái Nguyên) đến Tân Long - cửa ngõ vào miền Sa Lung chưa đầy 20km, song lắc lơ xa trong tâm khảm mỗi người.
Tấp vội vào quán nước hiếm hoi bên đường để nghỉ chân, và để thỏa mãn sự tò mò của mình về một rẻo quê nhiều núi đá, chúng tôi gặp chủ quán là cụ Triệu Thị Diện, 80 tuổi. Cụ nói phúc hậu: Đây là xóm Làng Giếng. Làng ở dưới lũng núi. Cụ lên đây bám mặt đường bán mấy gói mì tôm, bột canh, chút hàng quà lặt vặt cho người lỡ độ đường. Lãi chẳng là bao nhưng cũng khuây khuây tuổi già.
Bà con trong vùng cũng thường đến quán cụ Diện, đôi khi đến vì thói quen chứ chẳng mua thức gì. Biết chúng tôi đến lần đầu, một cụ ông ngồi nhâm nhi chén rượu với đọt măng đắng còn tươi, nhẩn nha kể: Từ lâu lắm rồi thầy cô giáo miền xuôi lên dạy chữ, thấy các xóm trong cùng một rẻo đất dài, xa hun hút thì gọi nôm với nhau là miền Sa Lung. Lâu ngày thành tên… Giây lát dừng lời, cụ tiếp tục giải nghĩa cho chúng tôi hiểu: Sa có nghĩa là miền cao quý; Lung có nghĩa là phổi. Bởi ngày xưa toàn đường mòn tắt núi, lên dốc đầu gối thúc vào ngực; xuống núi vừa chạy, vừa bám vào bụi cây bên đường để không đập lưng xuống đất. Cái từ phổi khi đó ám chỉ người dạy học (bán phổi), nên ghép với từ Sa (miền cao quý) thành Sa Lung.
Vâng! Sa Lung xa và còn nghèo khó, nên nhiều thế hệ người đến rẻo đất này ẩn cư rồi bỏ đi. Chỉ có những ngọn núi đá cao chất ngất ở lại cùng người Đồng Luông, Đồng Mây, Làng Giếng và Hồng Phong. Sau này (trước năm 1980) Sa Lung đón nhận thêm những cư dân người Mông từ tỉnh Cao Bằng về, lập thành xóm Mỏ Ba và xóm Lân Quan.
Ông Phạm Tuấn Tú, người có thâm niên hơn 20 năm làm bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên, cho biết: Trước năm 1945, một nhà tư sản Pháp đến đây lập mỏ số 3 để khai thác quặng. Nên khi thành lập xóm, chính quyền địa phương lấy luôn tên Mỏ Ba.
Còn ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quan bảo: Ngày xưa vùng đất này có nhiều quan lại về ở ẩn, nên chính quyền đặt cho xóm chúng tôi là Lân Quan, tức là thung lũng có nhiều quan từng ở.
Tôi không biết sự thực có bao nhiêu phần đúng. Miền Sa Lung Từ “lơ thơ” vài trăm nóc nhà trước đây đến nay 6 xóm đã có hơn 800 hộ, với khoảng 5.000 nhân khẩu.
Lối ra cho miền đất khát
Mùa mưa, nước từ các triển núi đổ về, nhiều khi người dân phải “nghiêng đồng hắt nước” giữ tài sản. Nhưng từ tháng Chín năm trước kéo dài sang tháng Tư năm sau, “giời” không làm mưa, nên nước quý hơn cơm gạo. Cũng vì thế người trong vùng ví von Sa Lung là miền đất khát.
Cây chè mang lại cho đồng bào miền Sa Lung một nguồn thu đáng kể.
Hỏi chuyện cấy lúa vụ xuân, ông Phan Văn Tiến, Trưởng xóm Đồng Mây bảo: Xóm có gần 25ha đất lúa, nhưng vì thiếu nước tưới nên chỉ cấy được gần 10ha 2 vụ.
Đến xóm Làng Giếng, ông Dương Văn Huy, Bí thư Chi bộ chia sẻ: Cũng do thiếu nước sản xuất nên bà con trong xóm đã chuyển đổi 10ha đất lúa sang trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò.
Qua các khu đồng hẹp ở miền đất khát Sa Lung, tôi bắt gặp những công trình thủy lợi xuống cấp. Ông Hà Văn Thắng, Bí thư chi bộ xóm Hồng Phong cho biết: Sau nhiều năm sử dụng, các công trình thủy lợi do Dự án PLAN xây dựng đã xuống cấp. Để cấy được 15/50ha lúa vụ xuân, bà con phải dùng nước giếng khoan để bơm tưới lên ruộng. Diện tích đất còn lại hơn 35ha đành phải để cỏ mọc, đợi nước trời để gieo cấy vụ mùa.
Đứng ở cánh đồng Thượng, tôi ngước nhìn lên từng dải núi đá rì xanh màu của rừng, chợt nhớ câu ca dao: “Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cầy/Lấy bát cơm đầy”. Ruộng rẫy đều cần có nước tưới thì cỏ cây mới đơm hoa, kết trái. Nhưng vẫn cơ bản phụ thuộc vào nước trời. Cực nhất về nước vẫn là Lân Quan và Mỏ Ba.
Có một lần cụ Đào Văn Lình, hơn 80 tuổi nói với tôi: Rượu có thể mời nhau uống cả chum, nhưng nước phải dè sẻn mới đủ dùng… Tôi nhận ra ở rẻo đất khô khát Sa Lung này con người sống chân thành và chất chứa trong lòng một nghị lực phi thường. Đó là cách để thích ứng với tự nhiên. Hơn thế nữa là trong mỗi người đều sẵn long hy sinh lợi ích cá nhân, với mong muốn vùng đất quê mình đổi thay. Sự hy sinh đó phải kể đến việc đồng bào tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất cho Nhà nước mở rộng nền đường, đổ bê tông về các xóm ngõ. Có những hộ nghèo, thiếu đất sản xuất nhưng cũng sẵn sàng hiến, coi đó là hạnh phúc vì được góp của cho lợi ích chung.
Qua câu chuyện đồng bào kể cho nghe, chúng tôi được biết: Từ những năm gần đây, đồng bào miền đất khát Sa Lung không độc canh cây ngô, cây lúa, mà biết lựa đất, gạn nước để phát triển trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên.
Ông Trần Văn Vàng, Chi hội trưởng Nông dân xóm Lân Quan tự tin nói: Ngoài cây ngô lai và con trâu, một số gia đình chủ động cải tạo đất trồng cây ăn quả các loại cho thu nhập cao hơn.
Còn ông Đặng Tăng Đại, Chi hội trưởng Nông dân xóm Hồng Phong cho biết: Do được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, năng lực sản xuất của bà con được nâng cao rõ rệt. Xóm đã xuất hiện một số nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ. Điển hình như các gia đình: Hoàng Văn Dũng chăn nuôi trâu, bò, dê và hộ Đặng Văn Lương chăn nuôi gà đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhiều hộ đồng bào miền Sa Lung đầu tư chăn nuôi trâu, bò thương phẩm.
Khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư cho sản xuất và giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao là “chìa khóa” mở cánh cửa tương lại một vùng đất. Từ trăn trở như thế, đồng bào mạnh dạn chuyển đổi những chân ruộng không thuận nước gieo cấy sang trồng cỏ chăn nuôi trâu bò vỗ béo, trồng chè, cây ăn quả.
Ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long phấn chấn nói: Năm 2021, miền đất khát Sa Lung có 28 hộ được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn ưu đãi 1,4 tỷ đồng. Bằng vốn vay và vốn tự có, đồng bào đã phát triển được đàn dê hơn trăm con và trồng được gần 1ha cây na theo quy trình VietGAP, với tỷ lệ cây sống đạt 100%. Ngoài nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân còn có hơn 200 hộ vay qua ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng vốn 1,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
Một rẻo Sa Lung không còn lo khô khát, bởi lối mở mới trong phát triển kinh tế đã và đang từng ngày hiện hữu từ lòng người. Về miền Sa Lung hôm nay, không chỉ có những thương lái, mà cả những đoàn du khách...
Đang tự thưởng cho mình được thỏa sức ngắm nương chè xen cùng vườn cây trái cho quả ngọt, tôi chợt giật mình bởi đàn dê núi kêu be be gọi bạn; tiếng trâu đánh gióng chuồng lộc cộc đòi cỏ... Tất cả tạo thành một âm hưởng vui tươi. Tôi thở phào nói với cô bạn đồng nghiệp: Sa Lung đang gần lại với phố thị. Xin hẹn gặp lại những người tôi từng gặp trên miền Sa Lung vào mùa quả chín.