Các cơ sở kinh tế tăng nhanh - Tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Cập nhật: Thứ sáu 09/03/2018 - 09:48
 Dây chuyền đóng gói sản phẩm chè túi lọc của Công ty CP Tập đoàn chè Tân Cương Hoàng Bình. Ảnh: Thế Hà.
Dây chuyền đóng gói sản phẩm chè túi lọc của Công ty CP Tập đoàn chè Tân Cương Hoàng Bình. Ảnh: Thế Hà.

Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đã kết thúc. Số liệu kết quả sơ bộ Cuộc Tổng điều tra đã được cơ quan chuyên môn là Tổng Cục Thống kê công bố. Nhìn lại cuộc tổng điều tra này với những kết quả được công bố nói lên điều gì trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh về vấn đề này.

P.V: Trước tiên, xin ông cho biết mục đích chính của cuộc Tổng điều tra này?

Ông La Hồng Ninh: Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được tiến hành theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần thứ 5 cuộc Tổng điều tra kinh tế được tiến hành trên phạm vi cả nước. Cuộc Tổng điều tra lần này nhằm thu thập những thông tin cơ bản về số lượng cơ sở và lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, lao động địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu…

P.V: Thưa ông, đối tượng của cuộc Tổng điều tra này là gì?

Ông La Hồng Ninh: Đối tượng của cuộc Tổng điều tra bao gồm các đơn vị sản xuất, kinh doanh (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản); các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp (gọi tắt là các cơ sở hành chính sự nghiệp) và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

P.V: Cuộc Tổng điều tra đã thu thập thông tin của bao nhiêu cơ sở, thưa ông?

Ông La Hồng Ninh: Chúng tôi đã tiến hành thu thập thông tin của 79.860 cơ sở, bao gồm: 3.188 doanh nghiệp, 2.233 đơn vị hành chính sự nghiệp, 73.854 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, 585 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

P.V: Như vậy, số cơ sở được điều tra, thu thập thông tin là rất lớn. Vậy, bước đầu ông có nhận định gì về tình hình các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp, tôn giáo trên địa bàn, thưa ông?

Ông La Hồng Ninh: Sau khi tiến hành điều tra, thu thập thông tin ở các cơ sở như đã nói ở trên, có thể thấy trong 10 năm trở lại đây số cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp đã tăng hơn 28 nghìn cơ sở (bình quân mỗi năm tăng gần 4,6%). Trong đó, các doanh nghiệp có tốc độ tăng nhanh nhất 2,72 lần so với năm 2007, bình quân mỗi năm tăng 10,5% (doanh nghiệp FDI tăng gấp 10,44 lần, tăng bình quân mỗi năm 26,44%) và tạo ra doanh thu 626 nghìn tỷ đồng, gấp 7,8 lần so với 5 năm trước đây. Các cơ sở kinh tế trên địa bàn tăng nhanh trong những năm qua là tiền đề quan trọng cho việc tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

P.V: Thưa ông, các doanh nghiệp tăng nhanh như vậy sẽ thu hút nhiều lao động tham gia và tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực?

Ông La Hồng Ninh: Theo kết quả điều tra của chúng tôi, số lao động đang làm việc trong các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp là 360,6 nghìn người. Trong đó, các cơ sở kinh tế là 307,5 nghìn người (khu vực doanh nghiệp 198 nghìn người, khu vực cá thể 110 nghìn người), các đơn vị hành chính sự nghiệp 50,6 nghìn người, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng 2,47 nghìn người. Như vậy, so với năm 2012, số lao động đang làm việc trong các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp tăng gấp 1,55 lần. Riêng số lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,7 nghìn lao động (nguyên nhân chính là do quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp). Số lao động tham gia vào các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp tăng nhanh đã làm cho cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu năm 2007, tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 35% thì đến năm 2017 chiếm 57,5% tổng số lao động trên địa bàn. Cùng với đó, năng suất lao động cũng tăng theo. Năm 2007, năng suất lao động chỉ đạt 14 triệu đồng/lao động/năm thì đến năm 2017 đã đạt 100 triệu đồng/lao động/năm.

P.V: Thưa ông, có điều chúng tôi thắc mắc là theo số liệu đăng ký kinh doanh thì đến thời điểm 1-1-2017 trên địa bàn tỉnh có trên 6.000 doanh nghiệp, HTX nhưng qua điều tra thì chỉ chiếm khoảng một nửa con số này đang hoạt động?

Ông La Hồng Ninh: Theo như số liệu đăng ký kinh doanh thì vào thời điểm 1-1-2017 toàn tỉnh có trên 6 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát giữa Cục Thống kê, Cục Thuế và Sở Kế hoạch và Đầu tư thì toàn tỉnh chỉ có 3.188 doanh nghiệp, HTX đang tồn tại. Như vậy là có khoảng 3.000 doanh nghiệp, HTX chỉ tồn tại trên giấy mà thực tế lại không hoạt động. Trong số này  có trên 2.800 doanh nghiệp, HTX đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế nhưng chưa hoàn thành thủ tục giải thể nên vẫn tồn tại trên danh sách đăng ký và có trên 500 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Quốc Khánh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: