Các doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Mạnh tay xử lý
Tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp (DN) đang ngày càng trở nên phổ biến. Thực trạng đó gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người lao động và tác động đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ BHXH. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Ngô Chí Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh.
P.V: Trước hết, xin ông cho biết tình trạng nợ, trốn đóng BHXH của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Ngô Chí Dũng: Nhìn chung, việc giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, kịp thời”. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít đơn vị nợ BHXH, BHYT, cụ thể: Năm 2015 số nợ các đơn vị sử dụng lao động là 1,39%; năm 2016 là 0,93%; 9 tháng đầu năm 2017 số nợ trên 72 tỷ đồng (chiếm 1,8%). Trong đó một số đơn vị có số nợ cao, kéo dài như: Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia sàng nợ 38 tháng với số tiền 8,5 tỷ đồng; Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công nợ 40 tháng với số tiền 5,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Hợp kim sắt Trung Việt nợ 37 tháng với số tiền trên 01 tỷ đồng; Công ty cổ phần Giống cây trồng nợ 30 tháng với số tiền 1,5 tỷ đồng…
P.V: Việc các đơn vị, DN nợ, trốn đóng BHXH có ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích hợp pháp của người lao động, thưa ông?
Ông Ngô Chí Dũng: Luật BHXH và Bộ luật Lao động quy định việc đóng BHXH là trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động. Và quyền lợi chính đáng của người lao động cũng được gắn liền với việc đóng BHXH của đơn vị và người lao động. Khi đơn vị, DN nợ, trốn đóng BHXH thì việc giải quyết các chế độ BHXH như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp... thậm chí nghỉ hưu của người lao động tại DN đó gặp nhiều khó khăn.
P.V: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng các đơn vị, DN nợ, trốn đóng BHXH đang trở nên phổ biến như hiện nay?
Ông Ngô Chí Dũng: Có nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung do các DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản; do người sử dụng lao động cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH, chưa quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Ngoài ra, còn do lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng và chế tài xử phạt DN trốn đóng BHXH, BHYT chưa đủ sức răn đe; việc quản lý lao động chưa chặt chẽ, việc khai báo tăng giảm lao động của các DN thực hiện chưa nghiêm túc…
P.V: Có ý kiến cho rằng, ngành BHXH chưa mạnh tay xử lý các đơn vị, DN nợ, trốn đóng BHXH, nên họ mới chây ì. Ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Ông Ngô Chí Dũng: Với trách nhiện của mình, chúng tôi luôn coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp ở các đơn vị, DN. Đối với những đơn vị, DN nợ đọng BHXH kéo dài, chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh tra liên ngành và đôn đốc thu hồi nợ đọng; tham mưu với UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, khởi kiện ra Tòa án đối với các đơn vị, DN nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN... Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã gửi hồ sơ đến Liên đoàn Lao động khởi kiện 12 đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Như vậy, chúng tôi rất mạnh tay xử lý các đơn vị, DN nợ, trốn đóng BHXH.
P.V: Theo ông, thì cần phải có những biện pháp nào để các đơn vị, DN không nợ, trốn đóng BHXH?
Ông Ngô Chí Dũng: Thực tế muốn giải quyết được vấn đề trốn đóng, nợ đọng BHXH cần rất nhiều giải pháp tổng thể, trong đó việc thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, theo Luật BHXH năm 2014, ngành BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BHXH các địa phương thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, đặc biệt vấn đề xử lý các DN trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Từ cơ sở pháp lý đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; bám sát tình hình, đôn đốc thu nợ kịp thời, báo cáo nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn để có giải pháp xử lý theo luật định, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tới chủ sử dụng lao động và người lao động để nâng cao tính tuân thủ pháp luật; công khai các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH và thông tin rộng rãi tình trạng DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và giải quyết kịp thời chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người lao động; khởi kiện các DN, các đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT ra tòa...
P.V: Xin cảm ơn ông!