Giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống
Ông Cho Huyn Joo, Tổng Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Global Civic Sharing (GCS – Hàn Quốc) (đứng thứ tư từ trái sang) thăm hộ ông Vũ Đình Quý, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) sản xuất chè VietGAP. |
Trung tuần tháng 12-2018, ông Cho Huyn Joo, Tổng Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Global Civic Sharing (GCS – Hàn Quốc) đã có buổi làm việc tại Thái Nguyên về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Cho Huyn Joo về vấn đề này.
P.V: Được biết, những năm qua, Tổ chức GCS đã hỗ trợ một số địa phương của tỉnh triển khai một số dự án, ông có thể cho biết những dự định của GCS tại Thái Nguyên.
Ông Cho Huyn Joo: Tính đến thời điểm hiện nay, Tổ chức GCS của chúng tôi đã có thời gian hoạt động ở Thái Nguyên được khoảng 2 năm. Chúng tôi đánh giá rất cao việc tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân; hai là làm sao giúp người dân nâng cao được tri thức và chất lượng cuộc sống. Đấy là phương châm hoạt động của chúng tôi trước đây và cả trong thời gian tới.
P.V: Ông có thể cho biết mục đích của GCS khi triển khai tại Thái Nguyên?
Ông Cho Huyn Joo: Hiện tại, Tổ chức GCS của chúng tôi đã hoạt động được khoảng 20 năm. Ban đầu chúng tôi chỉ hỗ trợ những vật hiện hữu cho người nông dân. Tuy nhiên, có một câu nói là thay vì đánh bắt cá hộ cho người nông dân thì cho họ chiếc cần câu cá. Vì thế, chúng tôi sẽ dạy cho người dân nghèo cách làm kinh tế để họ có thể lao động và sản xuất để tự phục vụ nhu cầu đời sống của họ. Tôi cũng nghĩ rằng, người dân không nên hoạt động sản xuất riêng lẻ, mà nên tham gia sinh hoạt vào tập thể, hay tổ chức nào đó để cùng đồng hành phát triển kinh tế. Một điều nữa mà chúng tôi cho rằng người nông dân phải luôn luôn nghĩ tới sự thay đổi, đó là tiền đề để nâng cao chất lượng cuộc sống và khẳng định chính mình.
P.V: Ông đánh giá thế nào về hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Thái Nguyên?
Ông Cho Huyn Joo: Trong ngày làm việc tại Thái Nguyên tôi có được đến thăm một số hộ gia đình nông dân ở xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên), đặc biệt là có đến một hộ dân trồng chè. Và tôi có một ấn tượng là rất nhiều người dân ở Thái Nguyên đang trồng chè và đặc biệt là đã chuyển sang cơ chế trồng chè an toàn, chè sạch và chè hữu cơ. Tôi thấy rằng đây không phải xu hướng của riêng người dân Thái Nguyên mà cả người dân trên thế giới. Bây giờ mọi người đang chuyển sang dùng những sản phẩm hữu cơ, mà đó là những sản phẩm chiếm ưu thế. Cho nên tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội, tiềm năng phát triển nông nghiệp sạch, an toàn của Thái Nguyên.
P.V: Ông có ý tưởng nào gợi mở cho Thái Nguyên trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ?
Ông Cho Huyn Joo: Tôi nghĩ rằng, hiện tại nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển rất là nhanh cho nên đời sống nhất là chất lượng sống của người dân cũng tăng lên rất nhiều. Chính vì chất lượng sống của người Việt Nam tăng cao cho nên sự đòi hỏi về những sản phẩm sạch, nông sản sạch của người Việt Nam cũng tăng lên. Vì vậy, nhu cầu về những sản phẩm sạch sẽ tăng và bắt buộc người dân phải tham gia vào chuỗi sản suất sạch đó. Ngoài ra, tôi cũng thấy rằng chúng ta nên có sự kết hợp giữa người tiêu dùng và người sản xuất. Lúc đó, người tiêu dùng cũng được đào tạo để được sử dụng những sản phẩm sạch, và người sản xuất cũng phải bảo đảm được lợi ích của chính họ.
Ở đất nước Hàn Quốc chúng tôi có làng Bhutan, đây là một làng rất điển hình về sản xuất nông sản hữu cơ. Làng Bhutan có hẳn một chuyên gia và ông ấy chuyên làm về những sản phẩm hữu cơ và những sản phẩm sạch. Và lần này chúng tôi cũng mời ông ấy sang đây để có thể chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất sản phẩm hữu cơ cho các chuyên gia của Việt Nam. Tôi cũng hy vọng rằng, sau này khi chất lượng cuộc sống của người Việt ngày càng nâng cao thì khi đó sản phẩm nông sản sạch sẽ xuất hiện nhiều ở thị trường Việt Nam.