Khẩn trương khắc phục những thiếu sót trong thực hiện Dự án

Cập nhật: Thứ tư 31/01/2018 - 17:20

Gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT 268 (nay là Quốc lộ 3C). Có ý kiến cho rằng, chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm giám sát, lựa chọn nhà thầu thi công không đủ năng lực, phải đi thuê đơn vị khác thi công nên đã dẫn đến nhiều sai phạm tại Dự án này. Vậy, cụ thể sự việc như thế nào và để rộng đường dư luận, chúng tôi đã phỏng vấn ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (BQLDA) - đơn vị được UBND tỉnh giao làm đại diện chủ đầu tư Dự án.

P.V: Trước tiên, xin ông cho biết cụ thể về Dự án này?

Ông Phạm Quang Anh:  Tuyến ĐT 268 có chiều dài 34,9km. Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường này được thực hiện từ năm 2007 đến năm 2012, đạt quy mô tiêu chuẩn đường cấp IV miền múi, bề rộng nền đường 7,5m, mặt đường thảm bê tông nhựa rộng 5,5m. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3192/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư gần 224 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 175 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy rất tốt hiệu quả dự án, chất lượng công trình; đồng thời đã quyết toán được 14/16 gói thầu và chỉ tồn tại một số vướng mắc ở 2 gói thầu còn lại.

P.V: Thưa ông, các nhà thầu tham gia thi công Dự án này được lựa chọn theo hình thức nào?

Ông Phạm Quang Anh: Đây là dự án lớn, được chúng tôi đặc biệt quan tâm trong công tác lựa chọn nhà thầu thi công. Và để thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu, các gói thầu đều được đấu thầu công khai rộng rãi trong phạm vi toàn quốc. Sau khi đăng thông tin mời thầu, đã có nhiều nhà thầu quan tâm mua hồ sơ và tham dự mở thầu công khai. Qua đấu thầu, các đơn vị trúng thầu thi công xây dựng đều có đủ năng lực và kinh nghiệm, đáp ứng được yêu cầu và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

P.V: Thế nhưng có ý kiến cho rằng, trong những nhà thầu tham gia thi công Dự án, có nhà thầu không đủ năng lực, phải thuê đơn vị khác thi công nên đã dẫn đến nhiều sai phạm tại Dự án này, thưa ông?

Ông Phạm Quang Anh: Theo Kết luận của Thanh tra tỉnh, nhà thầu thi công gói thầu số 9 (Công ty CP Hải Đăng) và số 16 (Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Hồng Hà) đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng xây dựng. Nhà thầu này đã thuê doanh nghiệp khác để thực hiện một phần công việc tại các gói thầu nói trên mà không có báo cáo và văn bản đề nghị chúng tôi chấp thuận cho phép ký hợp đồng giao nhận với nhà thầu phụ khác. Thực tế, tại thời điểm trúng thầu, các nhà thầu thi công xây lắp gói thầu số 9 và số 16 có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của bên mời thầu và theo quy định của pháp luật. Quá trình thi công xây lắp các gói thầu này, nhà thầu là đơn vị trực tiếp quản lý thi công và làm các thủ tục nghiệm thu thanh toán đảm bảo đúng trình tự thủ tục và quản lý chất lượng. Tuy nhiên, do khó khăn vướng mắc về mặt bằng và điều kiện thi công, đồng thời xét về thực tế thì trong những năm qua, do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, để tháo gỡ và chia sẻ khó khăn, các doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nhau để cùng tham gia, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đảm bảo tiến độ thi công. Việc các doanh nghiệp liên kết, cùng làm ăn với nhau chúng tôi rất khó kiểm tra.

P.V: Theo như dư luận cho rằng, chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý, nhất là việc khảo sát xây dựng còn chưa tốt dẫn đến phát sinh tăng giá trị dự toán ban đầu của Dự án, thưa ông?

Ông Phạm Quang Anh: Như tôi đã nói ở trên, đây là dự án lớn, địa hình địa chất phức tạp, vì thế trong quá trình triển khai thực hiện chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, việc khảo sát địa chất cũng chỉ xác định chính xác tại vị trí khoan đào, các vị trí còn lại được xác định bằng phương pháp đánh giá nội suy. Ngoài ra, có nhiều vị trí trong phạm vi mặt bằng thi công đã bị thay đổi địa hình, địa chất tự nhiên từ các hộ dân. Đồng thời, từ khi khảo sát đến khi giải phóng mặt bằng thi công phải mất thời gian dài dẫn đến quá trình thi công bắt buộc phải có giải pháp kỹ thuật và điều chỉnh bổ sung để đảm bảo chất lượng công trình. Cùng với đó, đa số giá trị khối lượng bổ sung là công trình cống thủy lợi và hệ thống thoát nước theo đề nghị của địa phương để phù hợp với điều kiện khai thác, canh tác sản xuất của nhân dân. Các nội dung phát sinh đều được thiết kế, thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quy trình và quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

P.V: Vậy, còn nội dung theo Kết luận của Thanh tra là phải xử lý kinh tế thu hồi nộp ngân sách Nhà nước là như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Anh: Số tiền thu hồi nộp ngân sách Nhà nước là do sau khi công trình được nghiệm thu hết bảo hành và do chậm công tác duyệt quyết toán, trong khi chủ đầu tư đã thanh toán hết vốn theo khối lượng thanh toán và kế hoạch vốn được giao. Đồng thời, sau khi thẩm định quyết toán, Sở Tài chính đã phê duyệt quyết toán giảm so với giá trị đã thanh toán. Phần chênh lệch này, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thực hiện trước thời điểm thanh tra, tuy nhiên nhà thầu chưa thực hiện và thanh tra tiếp tục kiến nghị thu hồi phần giá trị này.

P.V: Cho đến nay, việc thực hiện  kết luận thanh tra được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Anh: Ngay sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi đã nghiêm túc tiếp thu và khẩn trương phối hợp với các đơn vị, các nhà thầu thi công để thực hiện, cụ thể: Sở Tài chính đã thẩm định lại và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh từ ngày 10/01/2018; chủ đầu tư đã tổ chức kiểm điểm những hạn chế, tồn tại của Dự án và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giám sát trong quá trình triển khai điều hành; nhà thầu thi công đã thực hiện nộp trả ngân sách Nhà nước số tiền thanh toán vượt theo kết luận thanh tra.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Quốc Khánh
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: