Không tiêm vắc-xin sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là bảo vệ cho từng cá thể và cộng đồng. |
Thời gian gần đây, hiện tượng “chống” tiêm vắc-xin, “bài trừ” tiêm vắc-xin cho trẻ bỗng diễn ra trong cộng đồng mạng khiến không ít phụ huynh lo lắng, băn khoăn về việc có nên tiêm vắc-xin đối với trẻ nữa hay không? Ở tỉnh Thái Nguyên có hiện tượng đó không? Các chuyên gia về y tế có cảnh báo gì nếu bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ và hậu quả sẽ ra sao? Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế để làm rõ hơn về vấn đề này.
P.V: Một số phụ huynh cho rằng tiêm vắc-xin cho trẻ không an toàn, thậm chí có những rủi ro đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của trẻ nên đã dẫn đến hiện tượng “bài trừ” tiêm vắc-xin, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Ông Nguyễn Vy Hồng: Nhờ sử dụng vắc-xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Thành quả của vắc xin không chỉ được Việt Nam mà cả thể giới công nhận. Hiện tượng chống vắc-xin không mới với thế giới loài người, nước giàu hay nước nghèo đều có. Họ vin vào những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin để “bài trừ”. Thế nhưng, họ không hiểu số trường hợp bị phản ứng nặng đó chiếm tỷ lệ rất nhỏ (phần nghìn, thậm chí là phần triệu trong tất cả trường hợp đã tiêm vắc-xin. Trào lưu “bài trừ” tiêm vắc xin cần được cảnh báo, bởi nó đe dọa đến tính mạng của nhiều trẻ, nhiều gia đình thậm chí là cả cộng đồng.
P.V: Có ý kiến cho rằng, chất lượng vắc-xin không đảm bảo nên nhiều phụ huynh có tâm lý lưỡng lự, lo lắng khi cho trẻ đi tiêm, ông có thể nói rõ hơn về nguồn gốc và mức độ an toàn của vắc-xin khi được đem ra tiêm phòng?
Ông Nguyễn Vy Hồng: Các vắc-xin đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam hiện nay (có thể có nguồn gốc trong nước hoặc nước ngoài) đều đã được sản xuất bởi công nghệ tiên tiến, được Tổ chức Y tế thế giới khuyên dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới và được kiểm duyệt chặt chẽ bởi nhiều tổ chức quốc tế cũng như được Bộ Y tế Việt Nam thẩm định, cấp phép. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng của các loại vắc-xin đang được sử dụng.
P.V: Ở tỉnh ta hiện có tình trạng bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ không, thưa ông?
Ông Nguyễn Vy Hồng: Hiện nay, ở Thái Nguyên chưa có dấu hiệu cho thấy tình trạng “bài trừ” vắc-xin theo phong trào, mà chỉ có một số ít trường hợp đơn lẻ không đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ. Những trường hợp này, chúng tôi đánh giá do các bậc cha mẹ chưa thực sự quan tâm đúng mức cũng như chưa có kiến thức đầy đủ về vắc-xin phòng bệnh cho trẻ.
P.V: Nếu bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ thì hậu quả về sức khỏe mà các cháu và xã hội phải gánh chịu là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Vy Hồng: Hậu quả trực tiếp đối với trẻ và gia đình đó là nguy cơ mắc bệnh, thậm chí tử vong do bệnh truyền nhiễm bởi không được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng phải gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định, tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng chống dịch là bắt buộc. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.
P.V: Xin ông cho biết những biểu hiện của trẻ sau khi được tiêm phòng vắc-xin? Những biểu hiện đó có đáng ngại đối với sức khỏe của các cháu không, thưa ông?
Ông Nguyễn Vy Hồng: Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắc-xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc-xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí cá biệt có thể là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy, trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc-xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc-xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc-xin chứ không phải do chất lượng vắc-xin.
P.V: Thưa ông, ở tỉnh ta có trường hợp nào bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí bị tử vong sau khi tiêm phòng vắc-xin không?
Ông Nguyễn Vy Hồng: Theo báo cáo của chương trình TCMR, 6 tháng đầu năm 2017 có 363 trường hợp có phản ứng nhẹ, thông thường sau tiêm (sốt nhẹ, sưng, đau nhẹ tại chỗ…) trong tổng số khoảng hơn 50.000 mũi tiêm được thực hiện. Không có trường hợp phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm. Đặc biệt, nhiều năm gần đây không ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng mà có nguyên nhân do tiêm vắc-xin tại Thái nguyên.
P.V: Nhân đây, xin ông cho biết những kết quả đạt được trong chương trình TCMR đã góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh ta như thế nào?
Ông Nguyễn Vy Hồng: Kết quả tiêm chủng mở rộng tại Thái Nguyên trong các năm gần đây: Tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ, hàng năm luôn đạt từ 96-98% (chỉ tiêu = 95%). Tỷ lệ tiêm của từng loại vắc xin luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao, và có kết quả cao hơn so với mặt bằng chung của các tỉnh trong khu vực. Trong nhiều năm Thái Nguyên không có các dịch bệnh lớn xảy ra. Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin TCMR được kiểm soát và ở tỷ lệ thấp. Nhiều loại bệnh không còn xuất hiện như: bại liệt, bạch hầu, uốn ván sơ sinh…
P.V: Xin cảm ơn ông!