Kiên quyết xử lý vi phạm về giá bán điện cho người thuê trọ

Cập nhật: Chủ nhật 05/08/2018 - 18:05

Ngày 25-7 vừa qua, tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan liên quan làm rõ thực trạng nhiều lao động đi thuê nhà trọ phải mua điện đắt hơn giá điện sinh hoạt; đồng thời khẳng định việc tự ý nâng giá bán điện của các chủ nhà trọ sẽ bị phạt tiền từ 7-10 triệu đồng theo đúng quy định... Đối với tỉnh ta là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các trường đại học, cao đẳng nên có số lượng người thuê trọ rất lớn. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên.

P.V: Trước tiên, xin ông cho biết giá bán điện sinh hoạt cho công nhân, sinh viên và người lao động đang thuê nhà trọ trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo quy định nào?

Ông Đinh Hoàng Dương: Điều 10, Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương đã quy định rõ cách tính giá bán điện cho người đi thuê trọ. Đó là, bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể: Một người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là một định mức.

Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200kWh là 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện. Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Như vậy, mức tiền điện tối đa mà người thuê nhà phải đóng sẽ không cao hơn 2.300 đồng/kWh. Trường hợp người thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện kèm theo cam kết thanh toán của chủ nhà, Công ty sẽ phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.

P.V: Quy định đã có từ lâu nhưng hiện nay công nhân, sinh viên và người lao động đi thuê trọ vẫn phải chịu mức giá điện phổ biến từ 3.000-3.500 đồng/kWh, thậm chí có nơi đến 4.000 đồng/kWh, phải chăng chúng ta thiếu chế tài xử lý sai phạm về giá điện, thưa ông?

Ông Đinh Hoàng Dương: Việc áp giá bán điện cho người ở trọ không đúng theo quy định của Nhà nước là trái pháp luật và đã có quy định xử phạt rõ ràng. Tại Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

Tuy nhiên, để xử phạt thì không thể chỉ riêng ngành Điện thực hiện được mà phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng gồm Sở Công Thương và chính quyền địa phương để phát hiện và xử phạt các vi phạm này.

P.V: Nói như vậy thì số lượng chủ nhà trọ vi phạm bị xử phạt hành chính hẳn không nhiều đúng không, thưa ông?

Ông Đinh Hoàng Dương: Điều này đúng. Và vấn đề này không chỉ xảy ra ở Thái Nguyên mà còn là thực trạng chung của cả nước. 

P.V: Có một thực tế là không phải chủ nhà trọ nào cũng đăng ký kinh doanh để được hưởng mức giá điện sinh hoạt theo quy định. Bản thân người thuê trọ dù biết nhưng cũng chưa có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình. Theo ông, điều này là thiếu xót trong công tác tuyên truyền hay do các thủ tục đăng ký còn rườm rà, vướng mắc ?

Ông Đinh Hoàng Dương: Nhiều chủ nhà ngại phiền phức nên không nộp hồ sơ (gồm sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an) của người thuê trọ cho bên bán điện để được cấp định mức hoặc áp một mức giá điện sinh hoạt của bậc 3. Chính vì thế, khi tổng điện năng sử dụng vượt mức 200kWh/tháng sẽ bị tính mức giá cao (bậc 4, 5 và 6 tương ứng 2.340, 2.615 và 2.701 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT), dẫn đến người thuê phải đóng tiền điện lũy kế với giá rất cao. Mặt khác, một số chủ nhà trọ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người thuê để kinh doanh giá điện, thu cao hơn nhiều so với thông thường để kiếm lời. Bản thân người thuê trọ cũng không tìm hiểu kỹ các quy định hoặc buộc phải chấp nhận những thỏa thuận của chủ nhà để tìm được một phòng trọ ưng ý, vị trí thuận tiện cho công việc, đảm bảo an ninh…

Riêng đối với Công ty Điện lực Thái Nguyên, việc bán điện cho người dân được thực hiện công bằng, đúng theo quy định của Nhà nước. Giá bán điện cũng niêm yết công khai, thường xuyên được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những năm gần đây, nhằm cải cách các thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu xã hội về tiếp cận các dịch vụ điện, Công ty áp dụng quy trình một cửa, rút gọn thủ tục để giảm thiểu thời gian cấp điện cho các khách hàng.

P.V: Trong thời gian tới, ngành Điện của tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, sinh viên và người lao động khi đi thuê trọ, thưa ông?

Ông Đinh Hoàng Dương: Công ty Điện lực Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ; niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND các phường, xã và khu công nghiệp. Bên bán điện thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Công Thương giám sát việc đảm bảo cho người thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt đúng quy định; kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở trên địa bàn quản lý, hạn chế các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền bán điện sai với các quy định hiện hành.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hồng Tâm
​Thực hiện
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: