Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp: Vụ Đông Xuân dễ xảy ra hạn hán và thiếu nước cục bộ
Đang trong quá trình sửa chữa thân đập chính, nhưng hồ Núi Cốc luôn đảm bản an toàn, đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. |
Vụ Đông Xuân năm nay, tỉnh ta có kế hoạch gieo cấy gần 29.000ha lúa, 7.200ha ngô… Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề nước tưới cho vụ sản xuất này luôn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Để tìm hiểu rõ hơn hiện trạng và việc quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác các công trình thủy lợi, chúng tôi phỏng vấn ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Quản lý Khai thác thủy lợi tỉnh.
P.V: Xin ông cho biết, hiện Công ty đang quản lý, vận hành khai thác bao nhiêu công trình thủy lợi?
Ông Nguyễn Công Thịnh: Hiện nay Công ty được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác 82 công trình thủy lợi, trong đó có 40 hồ chứa, 37 đập dâng, 4 trạm bơm tưới, 1 trạm bơm tiêu và ngoài ra còn quản lý 256,7 km kênh mương.
P.V: Trong các công trình đó, có công trình nào trữ lượng nước không đảm bảo theo thiết kế để phục vụ sản xuất không, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Thịnh: Trong tổng số 40 hồ chứa, có 37 hồ chứa trữ lượng nước đạt trên 80% dung tích thiết kế. Các hồ chứa này cơ bản đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó còn một số hồ nhỏ như: Đầm Chiễu (Đại Từ), Na Long, Cây Thị (Đồng Hỷ), Bó Vàng (Định Hóa), Hố Cóc, Hồ Quẫn (Phú Binh) trữ lượng nước tích hiện tại chỉ đạt từ 50-70% dung tích thiết kế. Nếu thời tiết hanh khô, mùa mưa năm 2018 đến muộn sẽ dễ gây hạn cục bộ và hạn về cuối vụ. Nguồn nước tại 37 đập dâng phụ thuộc vào lượng nước sinh thủy trên các sông, suối và lượng mưa trong năm. Vụ Xuân Hè năm 2018, theo dự báo lượng nước trên các sông suối đạt mức trung bình so với hàng năm, theo đó về cơ bản sẽ đáp ứng đủ lượng nước tưới. Tuy nhiên, tại các đập dâng như: Tân Thái (Định Hóa), Rừng Chùa, Vai Cái, Vực Cảnh (Đại Từ) là những công trình có lưu vực nhỏ, ít lượng sinh thủy nên dễ xảy ra thiếu nước cục bộ.
P.V: Thời gian qua, Công ty đã có những hoạt động duy tu, sửa chữa cụ thể nào đối với các công trình thủy lợi để đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân?
Ông Nguyễn Công Thịnh: Để đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, Công ty đã nỗ lực vận động và tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của UBND tỉnh tạo được nguồn kinh phí nhất định để nạo vét, khơi thông bồi lắng, vật cản trước cửa cống lấy nước; nạo vét lòng hồ; tu sửa, nạo vét kênh mương; tôn cao gia cố bờ kênh; xử lý sạt trượt mái ngoài chân kênh… Cụ thể năm 2017, Công ty đã sửa chữa được 10 công trình đầu mối, kiên cố sửa chữa được trên 10.000m kênh mương với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng.
P.V: Hồ Núi Cốc là công trình thủy lợi lớn, có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, phục vụ du lịch... Trong năm qua, thân đập chính có biểu hiện rò rỉ nước và hiện nay đang được sửa chữa, khắc phục. Vậy, hoạt động đó có ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ và việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm nay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Thịnh: Hồ Núi Cốc là công trình thủy lợi trọng điểm cấp quốc gia và là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh. Năm 2017, đập chính của hồ Núi Cốc xuất hiện hiện tượng thấm nước qua thân đập với lưu lượng vượt mức cho phép. Hiện nay, Công ty đang khẩn trương sửa chữa đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và yêu cầu kỹ thuật đề ra. Hiện tại, hồ Núi Cốc an toàn, hoạt động bình thường, việc sửa chữa, gia cố thân đập không làm ảnh hưởng nhiều đến việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.
P.V: Theo ông, các công trình thủy lợi xuống cấp nguyên nhân từ đâu và ông có kiến nghị gì đối với các cấp chính quyền, ngành chức năng để bảo vệ tốt hơn các công trình thủy lợi?
Ông Nguyễn Công Thịnh: Hầu hết các công trình thủy lợi của tỉnh đều được xây dựng từ năm 1970-1980, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, nền kinh tế còn khó khăn, các công trình đầu mối không được xây dựng hoàn thiện. Do thời gian khai thác, sử dụng đã lâu cùng với sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, một số hồ chứa, đập dâng, kênh mương chưa được đầu tư kinh phí để duy tu sửa chữa, hoặc có đầu tư sửa chữa nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên chưa đồng bộ. Đến nay, các công trình đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Tôi đề nghị chính quyền địa phương nơi có công trình cần tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ các công trình thủy lợi; các cấp, các ngành tạo điều kiện về kinh phí để tu bổ, sửa chữa các công trình đảm bảo an toàn...
P.V: Ông cho biết cụ thể kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Thịnh: Vụ Đông Xuân năm nay, Công ty lập kế hoạch cấp nước tưới cho hơn 24.000 ha lúa và các loại cây trồng khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, Công ty đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên căn cứ vào kế hoạch gieo cấy của từng địa phương xây dựng lịch cấp nước cụ thể cho từng công trình; tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo tổ đội thủy nông nạo vét kênh mương, phát dọn, tu bổ, sửa chữa kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ kịp thời sản xuất của nông dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!