Phòng, chống ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên: “Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại”

Cập nhật: Thứ sáu 26/01/2018 - 15:16

Mùa xuân đến, thời tiết ấm rất thuận lợi cho các loài nấm độc phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm (thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên sẵn có độc tố). So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Vậy, làm thế nào để nhận biết nấm độc và cách phòng, chống ngộ độc nấm, chúng tôi phỏng vấn ông Đặng Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế.

P.V: Trước tiên, xin ông cho biết tình hình về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn hiện nay?

Ông Đặng Ngọc Huy: Có thể nói, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩn (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh luôn được các ngành, chính quyền các cấp đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, thực tế vấn đề ATVSTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bức xúc và lo lắng cho người dân. Trong những năm qua, đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra ở các bếp ăn tập thể, các đám cỗ, đám cưới, ngộ độc nấm… khiến hàng trăm người phải nhập viện điều trị. Đặc biệt là tình trạng ngộ độc thực phẩm nguồn gốc tự nhiên sẵn có độc tố gây ra đang diễn biến phức tạp, khó lường và mức độ thiệt hại thì rất lớn.

P.V: Ông vừa nói đến tình trạng ngộ độc thực phẩm nguồn gốc tự nhiên sẵn có độc tố gây ra. Vậy, ông có thể chỉ rõ về những thực phẩm này là gì, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Đó chính là những loại thực phẩm như: nấm độc, gan cóc, hoa chuông, cà độc dược, lá ngón, các loại cây cỏ lạ… Đặc biệt, mùa xuân thời tiết ấm rất thuận lợi cho các loại nấm độc sinh trưởng và phát triển, nhiều người đã vô tình ăn phải gây ra những cái chết thương tâm.

P.V: Tôi nghĩ, những loại thực phẩm đó thì ai cũng biết nó chứa độc tố và người dân sẽ biết cách phòng tránh, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Không hẳn như vậy, bởi thực tế có nhiều người biết để phòng tránh, nhưng cũng có không ít người nhận thức rất hạn chế về những loại thực phẩm này. Đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn khó khăn, nhận thức về VSATTP còn hạn chế nên đã vô tình ăn phải những thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên gây ra.

P.V: Ông có thể lấy ví dụ cụ thể, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 167 người mắc, 8 trường hợp tử vong. Trong đó có 5 vụ ngộ độc thực phẩm được xác định là do độc tố tự nhiên trong thực phẩm, cụ thể: Năm 2014, ở xã Liên Minh và xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc làm 7 người tử vong; năm 2016, ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải thịt, trứng cóc khiến 1 cháu nhỏ hơn 20 tháng tuổi tử vong… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khác, như uống rượu ngâm với rễ cây lạ, ăn phải cây hoa chuông đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân…

P.V: Vậy, làm thế nào để nhận biết được những thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên sẵn có độc tố, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Cho đến thời điểm này, các vụ ngộ độc thực phẩm dẫn tới tử vong nguyên nhân đều do ăn phải thực phẩm nguồn gốc tự nhiên sẵn có độc tố và tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa. Người dân cần nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các loại cây, con lạ, đặc biệt là các loại nấm mọc tự nhiên trong rừng, như: nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc; bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc; bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu phù hợp, nhất là vào mùa xuân thời tiết ấm rất phù hợp cho các loại nấm độc sinh trưởng, phát triển… Người dân cần phải thay đổi quan niệm “nấm có màu sắc sặc sỡ là nấm độc hay loại nấm mà côn trùng và động vật ăn được là nấm lành”. Đây là những quan niệm sai lầm, vì trên thực tế vụ ngộ độc ở Võ Nhai năm 2014 là do loại nấm trắng mọc hoang dại lại chứa chất a-ma-tốc-xin cực độc. Khi ăn phải loại nấm này triệu chứng xuất hiện muộn (khoảng 6-8 giờ sau ăn) và gây ngộ độc rất nặng. Người dân tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại, các loại nấm đã ôi thiu do không được bảo quản đúng cách; tuyệt đối không được thử nấm độc bằng đũa bạc, thìa bạc hoặc bằng kinh nghiệm như cho chó, gà ăn trước...

P.V: Với trách nhiệm của ngành mình, ông thấy cần phải có những giải pháp nào để tăng cường công tác đảm bảo ATVSTP, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo ATVSTP và đã đem lại nhiều kết quả rõ nét. Đồng thời, chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh đề ra nhiều chính sách, giải pháp để tăng cường công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn. Theo đó, tỉnh ta đã có nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề VSATTP trong tình hình mới"; triển khai đồng loạt nhiều phong trào, hoạt động gắn với đảm bảo ATVSTP, trong đó đáng chú ý có phong trào "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Phụ nữ thực hiện ATVSTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng".

Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ATVSTP cũng được quan tâm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, chất cấm và hoàng hóa không đảm bảo ATVSTP… Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt hơn nữa thì cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa; in phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về cách nhận biết các loại thực phẩm nguồn gốc tự nhiên sẵn có độc tố, đặc biệt là các loại nấm độc; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; bản thân các hộ gia đình cũng cần nêu cao ý thức trong lựa chọn thực phẩm…

P.V: Xin cảm ơn ông!

Quốc Khánh
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: