Thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế cần quyết liệt nhưng bảo đảm tính ổn định

Cập nhật: Thứ bẩy 09/12/2017 - 14:19

Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (NQTW6), tỉnh ta đã có nhiều việc làm cụ thể với tinh thần quyết liệt, nghiêm túc, bài bản để đạt kết quả cao nhất nhưng phải bảo đảm tính ổn định. Công tác sắp xếp lại đầu mối, tinh giản biên chế đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, không có “vùng cấm” từ cơ quan Đảng, đoàn thể đến chính quyền. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Trần Dương Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.

P.V: Được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện NQTW6, ngành Nội vụ đã có những việc làm cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Trần Dương Thịnh: Với trách nhiệm của cơ quan tham mưu, Sở Nội vụ đã thực hiện các công việc cụ thể liên quan đến công tác chuyên môn của  ngành. Cụ thể, cấp ủy, Ban lãnh đạo Sở đã họp, thống nhất cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc và trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng khác của tỉnh tham mưu xây dựng Đề án thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Sở Nội vụ đã rà soát, tổng hợp số liệu về tổ chức bộ máy, biên chế; số liệu về chất lượng của toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức, hợp đồng của hệ thống chính quyền các cấp của tỉnh; số liệu về đơn vị hành chính các cấp… Những công việc này nhằm phục vụ cho công tác chuẩn bị các phương án tổ chức thực hiện 2 Nghị quyết trên. Tiếp theo, Sở tiến hành xây dựng kế hoạch biên chế năm 2018 trên tinh thần cương quyết tinh giản biên chế theo chủ trương Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sở Nội vụ cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện từng nội dung của Nghị quyết như: Hướng dẫn việc tổ chức đánh giá sâu về hiệu quả hoạt động của các tổ chức, hiệu quả công việc của từng công chức, viên chức, người lao động…, quy định số lượng biên chế tối thiểu cho tổ chức thực hiện tinh gọn bộ máy; nghiên cứu chính sách của tỉnh đối với các đối tượng tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy…

P.V: Sắp xếp đầu mối, tinh giản biên chế là việc làm khó, phức tạp, vậy theo đồng chí, tỉnh ta nên triển khai từ khâu nào trước?

Đ/c Trần Dương Thịnh: Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và là đòi hỏi tất yếu của xã hội. Do đó, chúng ta phải tổ chức thực hiện và phải thực hiện thành công. Đầu tiên phải xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong mỗi cơ quan, đơn vị. Yêu cầu đặt ra là mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng giảm khâu trung gian, giảm cấp phó, giảm biên chế. Quá trình thực hiện việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế sẽ tác động đến tất cả các thành viên trong mỗi cơ quan, đơn vị. Vì vậy, muốn sắp xếp, tổ chức lại bộ máy bảo đảm tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá khách quan, chính xác hiệu quả hoạt động của tổ chức cũng như hiệu quả, năng lực làm việc của từng vị trí trong tổ chức (kể cả vị trí lãnh đạo, quản lý). Do đó, trách nhiệm ở đây có cả tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu.

P.V: Qua quá trình làm việc với các đơn vị, địa phương trong tỉnh về công tác sắp xếp đầu mối, tinh giản biên chế, đồng chí thấy có những vấn đề gì cần quan tâm giải quyết ngay?

Đ/c Trần Dương Thịnh: Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là nhận thức và tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn bộ hệ thống chính trị về nhiệm vụ tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức nhận thức chủ trương này cần thực hiện ngay từ bây giờ. Tuyên truyền để thấy sự cồng kềnh về tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu quả làm việc thấp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị là có hiện hữu và trách nhiệm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cần giải quyết ngay, cần tổ chức thực hiện ngay. Tuyên truyền tốt để tránh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chỉ quan tâm đến việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, đơn vị, địa phương khác mà không thấy trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này ngay tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình...

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Văn Hiến (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: