Thu hút đầu tư có định hướng, đi vào chiều sâu
Năm 2018, hầu hết các dự án đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh đi vào sản xuất ổn định, giá trị sản xuất không ngừng tăng cao ( Với 3 nhà xưởng sản xuất, năm 2018 Công ty TNHH RfTech Thái Nguyên nằm trong KCN Điềm Thụy đạt doanh thu gần 150 triệu USD. Năm 2019, Công ty dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư quy mô sản xuất). |
Nhìn lại năm 2018, lĩnh vực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh tiếp tục có được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt là đi vào chiều sâu, có sự chọn lựa và định hướng rõ ràng. Phóng viên (PV) Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Long, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh về vấn đề này.
PV: Nhiều người dự báo sau thành công ấn tượng của Dự án Samsung và KCN Điềm Thụy, việc thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2018 sẽ bị chững lại, giống như việc chúng ta đã từng đứng ở điểm cao nhất của hình sin, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Trần Văn Long: Đúng là chúng ta đã thu hút được một “làn sóng” đầu tư vào tỉnh kể từ Dự án Samsung. KCN Điềm Thụy sau 3 năm đi vào hoạt động đến cuối năm 2017 đã được lấp đầy. Năm 2018, tổng giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 26,7 tỷ USD. Đặc biệt, doanh nghiệp trong KCN Yên Bình, Điềm Thụy sau một thời gian dài đầu tư xây dựng đến nay đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần quan trọng vào việc gia tăng giá trị xuất nhập khẩu của tỉnh.
Nhưng nếu ví việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giống biểu đồ hình sin thì tôi nghĩ chưa hẳn những gì chúng ta làm được đã là ở điểm cao nhất. Trên thực tế năm 2018 mặc dù được đánh giá là gặp khá nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, nhưng kết quả thực hiện của tỉnh vẫn rất khởi sắc. Cụ thể, các KCN trên địa bàn đã thu hút được 22 dự án mới, trong đó có 12 dự án FDI và 10 dự án DDI với tổng vốn đăng ký cấp mới là 485,4 triệu USD và 686,1 tỷ đồng. Cụ thể: KCN Điềm Thụy 14 dự án; KCN Sông Công I 6 dự án; KCN Yên Bình 1 dự án và KCN Sông Công II có 1 dự án. Ngoài ra, chúng tôi còn điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án tăng tổng vốn đầu tư 30,5 triệu USD và 34,9 tỷ đồng.
PV: Sở dĩ có dự báo như vậy vì những năm qua chúng ta đã tận dụng rất tốt lợi thế về vị trí đại lý, hạ tầng giao thông,… bởi vậy những thuận lợi đó không còn mới lạ với nhà đầu tư. Vậy đâu là lý do khiến Thái Nguyên tiếp tục trở thành điểm đến của nhiều dự án thưa ông?
Ông Trần Văn Long: Bên cạnh các điều kiện sẵn có, chỉ số CPI của tỉnh là một tác nhân rất quan trọng để các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đến Thái Nguyên. Ngoài ra trong năm 2018, việc tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư đã tạo ra tiếng vang lớn để nhiều nhà đầu tư thêm điểm cộng khi nhắc đến Thái Nguyên. Cái nữa là các ban, ngành chức năng của tỉnh có sự đổi mới, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Trong đó, giải quyết thủ tục hành chính là vấn đề mấu chốt. Riêng với Ban Quản lý các KCN tỉnh, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, chúng tôi đã áp dụng hiệu quả nguyên tắc vận động trực tiếp, tại chỗ với tất cả nhà đầu tư. Đó là lựa chọn và tìm hiểu các nhà đầu tư lớn của trong và ngoài nước; tiếp xúc trực tiếp, có những vận động, định hướng phù hợp. Khi nhà đầu tư đăng ký đến với Thái Nguyên, chúng tôi có hỗ trợ kịp thời những vấn đề mà họ cần.
PV: Có thể thấy chúng ta không chỉ mời gọi mà còn lựa chọn khi tiến hành xúc tiến đầu tư. Vậy trong số các dự án đăng ký đầu tư mới mà ông vừa nhắc tới có điểm gì đáng chú ý?
Ông Trần Văn Long: Thứ nhất, đó đều là những dự án có công nghệ sản xuất hiện đại. Thứ hai, trong quá chính mời gọi các nhà đầu tư, chúng tôi chủ động tìm hiểu, lựa chọn và tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, chúng tôi đang tập trung vào một số lĩnh vực như là công nghiệp phụ trợ phục vụ cho cho ngành điện - điện tử, dệt may… Những lĩnh vực mà Chính phủ đang rất quan tâm đồng thời cũng là thế mạnh của tỉnh. Chúng tôi mong muốn làm sao các sản phẩm xuất khẩu, trong đó có dệt may sẽ sử dụng toàn bộ là nguyên liệu trong nước. Khi có được những dự án này chắc chắn trong những năm tới, giá trị xuất khẩu của tỉnh sẽ tăng nhiều. Cũng rất mừng là mới đây, tỉnh đã thu hút được một dự án FDI xây dựng Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam vào KCN Sông Công II với tổng vốn đăng ký là gần 500 triệu USD.
PV: Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam và 21 dự án mới đăng ký còn lại bao giờ sẽ được thực hiện, thưa ông?
Ông Trần Văn Long: Theo kế hoạch, các dự án này đều sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm 2019. Đặc biệt với dự án phụ trợ cho ngành may mặc là một tín hiệu rất vui khi chúng ta đang bắt tay vào xây dựng KCN Sông Công II. Các dự án không chỉ làm tăng giá trị sản xuất kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn tỉnh mà còn làm tăng giá trị xuất nhập khẩu của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
PV: Mục tiêu đề ra trong năm 2019 của Ban Quản lý KCN tỉnh là gì thưa ông?
Chúng tôi tiếp tục phát huy và đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng phân loại rõ ràng các dòng FDI có lợi thế để thu hút đầu tư vào tỉnh; ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, tập trung thu hút các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực dịch vụ... Ban phấn đấu vận động thu hút được trên 10 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 200-300 triệu USD; giá trị doanh thu năm 2019 đạt 28 tỷ USD, doanh thu tiêu thụ nội địa ước đạt 6.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 26 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước 6.500 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho trên 3.000 lao động; vốn thực hiện ước 7 tỷ USD và trên 9.000 tỷ đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!