Tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp trẻ

Cập nhật: Thứ năm 06/12/2018 - 10:26

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã và đang phát triển nhanh chóng. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN trẻ đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hội DN trẻ tỉnh Thái Nguyên.

P.V: Ông có thể cho bạn đọc biết khái quát thông tin về cộng đồng DN trẻ ở Thái Nguyên?

Ông Phạm Anh Tuấn: Hội DN trẻ tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 350 thành viên, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Bản thân thành viên cũng chủ động đổi mới tư duy, nâng cao năng lực điều hành DN, khắc phục khó khăn để đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đã có nhiều dự án có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hội cũng triển khai một số chương trình như: Nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu của doanh nhân trẻ; xây dựng văn hóa doanh nhân; hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; doanh nhân trẻ liên kết, hợp tác cùng phát triển… Từ đó, khẳng định tổ chức vai trò là ngôi nhà chung cho các hội viên liên kết hợp tác và phát triển.

P.V: Các DN trẻ có lợi thế là sự nặng động, nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng phát triển của thị trường. Tuy nhiên, hạn chế của họ là năng lực quản trị và khả năng kết nối giao thương, ông nhận định điều này như thế nào?

Ông Phạm Anh Tuấn: Đây là một thực tế đối với cộng đồng DN nói chung, trong đó có các DN trẻ của Thái Nguyên. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các thành viên của chúng tôi có tinh thần học hỏi rất cao, tích cực tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm hoặc bồi dưỡng kỹ năng quản trị. Về khả năng kết nối giao thương hiện cũng chưa được tốt lắm, một số còn thiếu tự tin, sức ì lớn, tư duy chờ đợi cơ hội vẫn còn. Khắc phục vấn đề này, Hội đã thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên họp kết nối cung cầu hằng tháng để mở rộng giao thương. Điều đặc biệt là tất cả buổi sinh hoạt này đều hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện tối đa cho DN trẻ.

P.V: Còn về vấn đề vốn, đó có phải là một trong những cản trở đối với các DN trẻ, thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Các DN trẻ hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, khó tiếp cận vốn vay là một trong những cản trở lớn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Một phần lý do là họ thiếu tài sản bảo đảm, không chứng minh được hiệu quả của quá trình hoạt động, phương án kinh doanh không rõ ràng, thiếu thuyết phục. Đó là chưa kể các DN siêu nhỏ và mới khởi nghiệp nên còn không có sổ sách kế toán, tài sản để chứng minh với ngân hàng khi muốn vay vốn. Về phía ngân hàng, không phủ nhận đã có nhiều ưu đãi hơn nhưng thủ tục vay vốn vẫn còn phức tạp, không mặn mà với DN mới, quy mô nhỏ, ngại thẩm định vì sợ trách nhiệm …

 P.V: Từ thực tế như vậy, ông có đề xuất gì đối với các cấp, ngành Trung ương và tỉnh về cơ chế hỗ trợ đặc thù cho DN trẻ?

Ông Phạm Anh Tuấn: Như tôi đã đề cập, DN trẻ của tỉnh còn yếu về vốn, năng lực quản trị, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh không cao nên dễ bị tổn thương, dẫn tới phá sản. Để tiếp sức cho những đơn vị này lớn mạnh thì các cấp, ngành rất cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII đã đề ra. Nhất là chính sách về đất đai, tài chính - tín dụng, lao động - tiền lương, hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại... Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng và minh bạch để các doanh nhân yên tâm làm ăn, phấn đấu làm giàu cho bản thân và đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Về phía tỉnh đã triển khai rất nhiều chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển. Tôi mong tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến khối DN tư nhân, nhất là các DN trẻ.

 P.V: Thời gian tới, Hội DN trẻ tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nào để tiếp thêm động lực cho hội viên của mình?

Ông Phạm Anh Tuấn: Với vai trò là cầu nối giữa các hội viên, chúng tôi sẽ thường xuyên nắm tình hình, đề xuất với tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác và phát triển… Về định hướng, Hội tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại và khởi nghiệp. Các thành viên tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm quản trị và phát triển thị trường. Đặc biệt là ký kết để sử dụng sản phẩm của nhau phục vụ sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho DN trẻ tham dự các hội nghị xúc tiến thương mại, chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường thuận lợi để hội viên vươn lên. Sang năm 2019, chúng tôi phấn đấu tổ chức ít nhất một đoàn DN đi giao lưu, hợp tác quốc tế với các hiệp hội DN nước ngoài tại Thái Lan hoặc Trung Quốc.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhị Hà (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: