Nơi đất “nở” để rừng “đi”
Bên dòng kênh nơi Đất Mũi. |
Nơi tận cùng Tổ quốc mang tên Đất Mũi, thuộc ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Vùng đất cuối trời phương Nam với bạt ngàn xanh của rừng đước, mắm.
Nơi tạo hóa ban phát cho con người món quà mãn nhãn khi mỗi ngày được ngắm mặt trời gọi ngày ở biển Đông; ngắm hoàng hôn tím sậm ở bờ biển Tây, và cảm nhận dưới chân mình đất đai phì nhiêu động cựa, bởi: “Đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”.
Để ra đến mũi đất xa nhất của đất liền, chúng tôi xuống bến tàu cao tốc Năm Căn, ngồi xuồng máy mất 57 phút ngược dòng sông Cái Lớn. Vừa cập bờ, chị nhân viên bán hàng lưu niệm ở mé bến nhanh miệng: Các anh vừa đi hết chặng đường sông dài 57km.
Tôi thở phào đặt chân lên bờ cát mềm, ẩm ướt, liên tưởng đến con đường huyền thoại mang tên Người - Hồ Chí Minh. Nơi khởi đầu con đường từ Pác Bó (Cao Bằng), đến điểm cuối là Đất Mũi. Đã có không ít người phượt bằng xe đạp, xe máy trải nghiệm hết toàn tuyến với tổng chiều dài gần 3.200 km, bon qua 28 tỉnh và thành phố.
Tôi nhẩn nha leo lên vọng Hải Đài, nhẩm đếm từng bậc cầu thang được thiết kế, xây dựng khéo léo ôm vào thân trụ bê tông lớn. Tất thảy 54 bậc, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam. Bậc cao nhất kể từ mặt đất lên là 21m, ngầm ý sâu sắc một đất nước, một dân tộc đã trải qua 21 thế kỷ “sớm ngăn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” và đang tiếp tục hành trình vươn tới tương lai.
Từ vọng Hải Đài, cảm nhận như không có gì che khuất tầm nhìn. Rừng, biển, đất đai, sông rạch đều dưới chân mình. Khi ngoài biển kia cuồn cuộn sóng trào, thì cửa sông, cửa biển nước hờ hững trôi, gió từ đại ngàn đước, mắm mang theo hơi mặn mòi của biển, như thì thầm một khúc ru ca.
Định lại nơi đây cột mốc tọa độ Quốc gia, km số 0. GPS0001 - một trong 4 điểm cực đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền.
Một khác biệt so với các điểm mốc cực Đông, cực Tây và cực Bắc Tổ quốc là vùng đất cực Nam không yên lặng, mà luôn sinh sôi bởi sự bồi lắng phù sa. Để ai đặt chân đến Đất Mũi cũng nhận ra sự sinh của loài cây có sức sống mãnh liệt. Loài cây “siêng năng, cần cù lao động”, bền bỉ cùng thời gian lấn biển.
Một góc rừng đước, mắm.
Cứ “Cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Lặng lẽ từ dưới sình bùn, rễ cây mắm từng chùm ngoi lên hút khí trời giữ đất; rồi từ trên cao, quả đước như mũi tên lao xuống, cắm vào sình lầy, vươn xanh thành rừng, hạt phù sa bồi lắng thành bờ, thành bãi, làm đất đai cuối trời phương Nam vươn lấn biển khơi
Đi trong rừng đước, mắm bạt ngàn xanh, nắng phương Nam dịu lại, mát lành, chợt thấy dưới từng chùm rễ có tiếng đì đạch cá mú.
Nhiều nhất phải kể đến là loại cá thồi lồi, cá vọp, nhiều đến mức chúng cứ theo nhau ngoi trên mặt nước, trườn trên sình bùn như muốn được gần gũi hơn với con người.
Tất cả những động cựa dưới chân cho mặt đất sinh sôi. Như để hạt phù sa neo đậu lại cùng rừng đước, mắm. Cho “đất nở, rừng đi” lấn biển, nối dần ra với đảo Hòn Khoai.
Vâng! Đảo Hòn Khoai được ví như viên ngọc quý tận cùng phương Nam Tổ quốc. Trên đảo có tháp hải đăng. Mỗi ngày khi hoàng hôn đổ dài trên biển, thì ngọn hải đăng được thắp lên, bừng sáng để dẫn đường cho tàu bè ra khơi, vào lộng an toàn. Cây đèn biển cực Nam Tổ Quốc ấy đã được thắp lên từ hơn 100 năm nay. Và tiếp tục tỏa sáng ở nơi tận cùng đất Mũi.