Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cam kết duy trì lãi suất siêu thấp
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 17-10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đã tái khẳng định cam kết duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang không ổn định của nước này, trong khi Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki một lần nữa cảnh báo về hành động kiên quyết nhằm ngăn chặn tình trạng biến động của đồng yen.
Phát biểu trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản, Thống đốc Kuroda cho rằng, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong quá trình hồi phục sau dịch COVID-19. Giá cả hàng hóa tăng cao đang khiến dòng thu nhập chảy từ Nhật Bản ra nước ngoài, làm tăng áp lực suy thoái đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Thống đốc Kuroda nhấn mạnh: "Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là phù hợp bởi đây là điều cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững, ổn định đi cùng với việc tăng lương".
Trước đó, BOJ vẫn duy trì quan điểm cho rằng lạm phát do chi phí tăng cao ở Nhật Bản hiện nay sẽ không bền vững, ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản (không bao gồm biến động giá thực phẩm tươi sống) của Nhật Bản trong tháng 8 tăng tới 2,8%, cao nhất kể từ tháng 10-2014. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp chỉ số này tăng nhưng là tháng thứ năm liên tiếp trên mức mục tiêu 2% của BOJ.
Thống đốc Kuroda dự báo CPI có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian từ nay tới cuối năm, một phần do đồng yen mất giá, nhưng chỉ số này sẽ ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ vào tài khóa tới. Vì vậy, BOJ cho rằng việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% đi kèm việc tăng lương.
Trong khi đó, trên thị trường tiền tệ, ngày 17-10, đồng yen được giao dịch với tỷ giá 1 USD đổi được gần 149 yen, thấp nhất trong 32 năm qua. So với thời điểm cuối năm ngoái, đồng yen hiện đã mất giá khoảng 22% so với đồng USD. Theo giới phân tích, việc đồng yen mất giá sẽ khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhiên liệu - mặt hàng mà Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu, trở nên đắt đỏ hơn, từ đó tác động tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh của nước này.