Tích cực thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Cập nhật: Thứ tư 03/08/2022 - 08:45
 Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong chuyến đánh giá tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại xã Yên Ninh (Phú Lương).
Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong chuyến đánh giá tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại xã Yên Ninh (Phú Lương).

Từ năm 2013, khi Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá bắt đầu có hiệu lực, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp để Luật đi vào cuộc sống. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về tác hại của thuốc lá, công tác thanh kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật được chú trọng. Nhờ đó, sau gần 10 năm, nhận thức của người dân về tác hại của việc hút thuốc lá đã được nâng lên rõ rệt.

Ngay từ năm đầu triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Đội kiểm tra liên ngành gồm Sở Y tế, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh được thành lập đã phối hợp kiểm tra, đánh giá việc thực hiện xây dựng mô hình “Môi trường không khói thuốc lá” và tuyên truyền, nhắc nhở các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Trong 2 năm 2016 và 2017, cơ quan chức năng đã tổ chức ít nhất 2 đợt thanh tra, kiểm tra cấp tỉnh, 3 đợt thanh tra, kiểm tra cấp huyện. Song song với đó, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Luật PCTHTL, như đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị…

Năm 2018, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành tại Thái Nguyên là 26,1%; tỷ lệ người hút trên 20 điếu mỗi ngày chiếm 28,2%. Trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 52,3%, giảm so với năm 2015 nhưng vẫn còn cao. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cao nhất ở khu vực cấm của các quán giải khát, quán cà phê, quán trà (83,9%); tiếp đó là khu vực cấm của nhà hàng, quán ăn (80,6%); tỷ lệ này thấp ở các khu vực như cơ sở giáo dục (9,5%), cơ sở y tế (6,1%). Điều này cho thấy tình hình sử dụng thuốc lá ở Thái Nguyên vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Do đó, 4 năm qua, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại cộng đồng như tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân, thông qua hệ thống loa truyền thanh các xóm, xã… Đăc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Luật PCTHTL.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói: Các cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị… Đến nay, hầu hết người dân biết được hút thuốc lá gây bệnh nguy hiểm. Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng không còn phổ biến như trước, nhất là tại cơ quan, trường học, bệnh viện. Hiện, ngoài lực lượng tư vấn viên, các bệnh viện tuyến tỉnh đã đào tạo được nhiều bác sĩ có kỹ năng tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá. Một số địa phương, nhất là Đại Từ và TP. Phổ Yên đã xây dựng thành công đội ngũ tư vấn viên là cán bộ y tế tuyến xã.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai Luật PCTHTL, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm Luật còn gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, nhiều cơ sở cung cấp, bán thuốc lá nhỏ lẻ. Đặc biệt, lực lượng xử phạt còn mỏng, không thể thường xuyên theo dõi; tỷ lệ người lao động tự do cao, trình độ dân trí tuy đã được nâng cao, người dân có hiểu biết về thuốc lá và Luật PCTHTL nhưng việc thay đổi hành vi vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để việc thực thi Luật PCTHTL ngày một hiệu quả hơn.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: