Cần cung cấp kịp thời thuốc ARV cho người nhiễm HIV
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long đề nghị Bộ Y tế quan tâm đến việc mua sắm thuốc ARV nguồn BHYT; chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thúc đẩy việc đấu thầu và đàm phán giá để có thể mua kịp thời thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV từ tháng 1/2022.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, tính đến thời điểm này, số người nhiễm HIV báo cáo được phát hiện là 212.769 trường hợp. Trung bình mỗi năm phát hiện được khoảng 12.000 trường hợp nhiễm HIV. Tính đến tháng 10/2021, cả nước ghi nhận thêm 10.925 trường hợp HIV dương tính; trong đó, 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%).
Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Dịch HIV/AIDS đã thuyên giảm 2/3 so với đỉnh cao (năm 2007-2008), nhưng vẫn còn ở mức độ cao. Mỗi năm vẫn phát hiện hơn 10.000 người nhiễm HIV mới, dịch có xu hướng gia tăng ở một số địa phương phía Nam và một số nhóm nguy cơ cao (NCMT, MSM), liên quan đến vấn nạn ma túy tổng hợp.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng các văn bản pháp quy kịp thời, đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng. Các hướng dẫn chuyên môn được xây dựng toàn diện, đầy đủ. Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Y tế giao. 2 Nghị định, 1 Thông tư và nhiều quyết định của Bộ trưởng đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Cục cũng đã triển khai toàn diện, rộng rãi, sáng tạo và linh hoạt các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS, như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, cung cấp xét nghiệm qua mạng; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, cấp phát Methadone nhiều ngày; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); mở rộng và duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS ở mức độ cao hàng đầu thế giới... Việt Nam được cộng đông quốc tế đánh giá mà một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.
Nhiều giải pháp đã được Cục triển khai để vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 để triển khai và đạt được các chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS được giao trong năm 2021, cụ thể: Phát hiện mới 13.000 trường hợp nhiễm HIV; điều trị Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện; điều trị PrEP cho trên 30.000 khách hàng; điều trị ARV cho trên 160.000 bệnh nhân HIV/AIDS với chất lượng rất tốt...
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt các tỉnh thành phố lớn, khu vực đông bằng sông Cửu Long, việc gia tăng dịch chủ yếu liên quan đến nhóm MSM, các số liệu cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Các can thiệp trong nhóm MSM khó khăn hơn nhiều so với các nhóm ma tuý, mại dâm trước đây do đó cần các can thiệp đặc hiệu trong nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn. BHYT chỉ chi trả cho khám, chữa bệnh HIV/AIDS. Các hoạt động thuộc mảng dự phòng (như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, BKT, BCS, PrEP…) vẫn chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ. Nhiều địa phương khó khăn về nguồn lực, ít phân bổ kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS…
Tại cuộc làm việc, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị Bộ Y tế quan tâm đến việc mua sắm thuốc ARV nguồn BHYT; chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thúc đẩy việc đấu thầu và đàm phán giá để có thể mua kịp thời thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV từ tháng 1/2022.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực của Cục Phòng, chống HIV/AIDS với những kết quả đã được trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời mong muốn Cục tiếp tục mở rộng hoạt động xét nghiệm, tự xét nghiệm bằng cách quảng bá rộng rãi trên truyền thông đại chúng, quảng bá đến từng địa phương, đến từng đối tượng nguy cơ một cách nhanh nhất; nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đấu thầu mua thuốc để tránh bị ngắt quãng thuốc của bệnh nhân; đánh giá, nghiên cứu về ảnh hưởng của COVID-19 với người nhiễm HIV.