Những giải pháp căn cơ phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV tại Bình Dương. Ảnh: Thùy Chi |
Bình Dương là một trong 10 tỉnh, thành phố đông công nhân lao động nhất trên cả nước. Do đó, việc phòng, chống HIV ở những khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, và cần lắm những giải pháp căn cơ để ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm này.
Tỉ lệ nhiễm HIV gia tăng trong nhóm công nhân
Theo số liệu thống kê, hiện tỉnh Bình Dương có trên 1,2 triệu công nhân lao động đang làm việc ở các công ty, chiếm 50% dân số của tỉnh. Đa số là lao động trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 70%, lao động ngoài tỉnh 85%, lao động nữ 56%.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian gần đây, số ca nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm tính từ năm 2011-2021 có chiều hướng tăng, trong đó số người nhiễm có hộ khẩu ngoại tỉnh luôn chiếm tỷ lệ cao.
Cụ thể, năm 2019 có gần 800 ca nhiễm HIV, người có hộ khẩu ngoại tỉnh chiếm hơn 550 ca; năm 2020 trên 900 người, có hơn 800 người có hộ khẩu ngoại tỉnh; năm 2021 gần 700 người nhiễm, có trên 600 người có hộ khẩu ngoại tỉnh. Trong đó, chủ yếu tỷ lệ nhiễm qua đường quan hệ tình dục cao, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm trên 85%...
Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, số ca nhiễm HIV là người có hộ khẩu ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, vấn đề thu nhập, việc làm luôn được người lao động đặt lên hàng đầu, do vậy, phần lớn công nhân làm việc tăng ca, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, giải trí, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cá nhân. Mặt khác, do thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, trong khi các dịch vụ trá hình còn tồn tại khá nhiều tại các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke, mát xa… nhất là ở các khu vực có đông người lao động.
Ngoài ra, công nhân lao động, chiếm 50% dân số của tỉnh, đa số là lao động trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 70%, lao động ngoài tỉnh chiếm 85% và nam chiếm 44%. Đến thời điểm này, chưa có số liệu chính thức về ca nhiễm HIV/AIDS trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc mất cân bằng giới tính trong 1 doanh nghiệp, 1 khu nhà trọ, 1 địa bàn dân cư, 1 ngành nghề là yếu tố nan giải phát sinh liên quan đến vấn đề đồng giới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức
Trước thực trạng này, hàng năm tổ chức Công đoàn Bình Dương từ tỉnh tới cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, trong năm 2021, tổ chức Công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chuyên môn tổ chức khoảng 150 cuộc tuyên truyền, tư vấn cho hơn 7.500 lượt công nhân lao động. Nội dung tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS thông qua nhiều hình thức như baner, infographic, tủ sách pháp luật, tờ rơi, chương trình đồng hành cùng công nhân trên sóng FM, bảng tin nội bộ, hệ thống loa phát thanh tại doanh nghiệp, thông qua các trang mạng xã hội do tổ chức công đoàn lập ra.
Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo sân chơi lành mạnh giúp công nhân lao động tránh xa ma túy, phòng, chống hiệu quả HIV/AIDS. Các hoạt động lồng ghép tuyên truyền giúp cho công nhân lao động nâng cao nhận thức, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Do Bình Dương có xu hướng gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao là nam quan hệ đồng tính, nên địa phương cũng đang tập trung đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại. Trong đó, bao gồm cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch K=K (Không phát hiện = Không lây truyền)…
Tuy nhiên, hiện tỉnh Bình Dương đang gặp một số khó khăn như: Nhân lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thiếu, ngày càng cắt giảm. Tuyến huyện/thị xã đa phần cán bộ kiêm nhiệm nhiều chương trình, thường xuyên thay đổi. Số lượng bệnh nhân điều trị ARV ngày càng gia tăng, gây áp lực cho các phòng khám ngoại trú về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm xét nghiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều người lao động ngoài tỉnh nhiều nhất nước, di biến động khiến cho việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn nhiều nặng nề khiến cho nhiều người giấu bệnh, không tiếp cận xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị sớm ARV…
Cần lắm những giải pháp căn cơ trong công tác phòng chống HIV
Để khắc phục những khó khăn, thách thức đang phải đối diện, theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, cần lắm những giải pháp căn cơ trong công tác phòng chống HIV. Địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng y tế, đặc biệt xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV thân thiện. Đẩy mạnh các hoạt động của đội ngũ đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm thu hút người xét nghiệm và tham gia điều trị sớm.
Chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm và nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV cho người nguy cơ cao, các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và cộng đồng. Từ đó khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP.
Còn theo ông ông Lưu Thế Thuận, thời gian tới, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động, nhất là công nhân tại các khu nhà trọ… có thêm kỹ năng sống, kiến thức tự chăm sóc sức khỏe, phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động ở các doanh nghiệp. Cụ thể, về môi trường làm việc, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, thời gian và định mức khám sức khỏe định kỳ, thời gian nghỉ khám thai…
Ông Thuận cho rằng, ngành y tế tỉnh cần tiếp tục có những tham mưu, đề xuất giải pháp căn cơ về đầu tư cơ sở y tế, dịch vụ y tế, nhân lực của ngành… nhất là ở những khu vực, địa bàn tập trung đông công nhân lao động, qua đó để giải quyết hiệu quả tính đồng bộ giữa phát triển kinh tế với chăm sóc sức khỏe cho người lao động và nhân dân. Đặc biệt, để giải quyết được cái gốc của vấn đề, các ngành, các cấp cần tập trung chăm lo, tạo cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, có môi trường làm việc và môi trường sống an toàn, lành mạnh, giúp người lao động dễ tiếp cận được với các dịch vụ y tế, qua đó tạo động lực nâng cao sức khỏe, an toàn trong phòng, chống các dịch bệnh, giảm thiểu các vấn nạn xã hội.
Ths. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định, cần thiết phải tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp cũng như thực trạng chăm sóc sức khoẻ và phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ths. BS. Cao Kim Thoa cho hay, trong những năm gần đây dịch HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa và tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam. Phân tích trong số mới phát hiện nhiễm HIV là nam quan hệ tình dục đồng giới nam cho thấy có sự tập trung cao nhóm đối tượng này là công nhân trong các khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Ứớc tính đến cuối năm 2021, số ca nhiễm HIV toàn quốc là 230.000 người. Tỉ lệ phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm, trở thành đường lây chính. Chính vì vậy, cần thiết phải thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn lây nhiễm mới trong nhóm này.