Xóa bỏ các rào cản trong việc chữa trị HIV để chấm dứt bệnh AIDS

Cập nhật: Thứ ba 15/03/2022 - 15:03
 Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima phát biểu tại phiên họp thứ 65 của Ủy ban về Ma túy của Liên Hợp Quốc: Cần phải xóa bỏ các rào cản trong việc chữa trị HIV để chấm dứt bệnh AIDS. Ảnh: UNAIDS
Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima phát biểu tại phiên họp thứ 65 của Ủy ban về Ma túy của Liên Hợp Quốc: Cần phải xóa bỏ các rào cản trong việc chữa trị HIV để chấm dứt bệnh AIDS. Ảnh: UNAIDS

Nếu như chúng ta không có các hành động xóa bỏ sự bất bình đẳng, vẫn còn sự kì thị, vẫn còn rào cản trong việc cung cấp các dịch vụ chữa trị HIV thì thế giới có thể chứng kiến 7,7 triệu ca tử vong do AIDS trong vòng 10 năm tới.

Giám đốc Điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima, đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp thứ 65 của Ủy ban về Ma túy của Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 14/3/2022.

Các quốc gia cần phải xóa bỏ bất bình đẳng trong ứng phó với HIV

Bà Winnie Byanyima nhấn mạnh, tháng 6 năm ngoái, các quốc gia thành viên đã thông qua Tuyên bố Chính trị năm 2021 về chấm dứt AIDS. Nghị quyết đã có những cam kết mạnh mẽ, bao gồm các mục tiêu mới đến năm 2025 là đưa các ứng phó trở lại đúng hướng để chấm dứt AIDS vào năm 2030.

Năm ngoái, UNAIDS đã làm việc với các quốc gia và các đối tác để phát triển và thông qua Chiến lược Phòng chống AIDS toàn cầu. Mấu chốt chính của chiến lược là chấm dứt tình trạng bất bình đẳng trong một trận dịch mà 65% tổng số ca nhiễm mới nằm trong các nhóm cụ thể và những người này bao gồm cả những người sử dụng ma túy và tù nhân.

Bà Winnie Byanyima nêu, UNAIDS biết rằng nếu để tình hình như hiện tại, nếu các quốc gia không xóa bỏ bất bình đẳng trong ứng phó với HIV thì thế giới có thể sẽ chứng kiến 7,7 triệu ca tử vong do AIDS trong vòng 10 năm tới.

"Hiện nay, chương trình phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu đã đi chệch hướng bởi sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thậm chí mức độ ảnh hưởng còn bị căng thẳng hơn khi cuộc khủng hoảng do COVID-19 vẫn tiếp tục. Và những người sử dụng ma túy và những người đang phải trả án trong các nhà tù sẽ tiếp tục là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất", bà Winnie Byanyima nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trên toàn cầu, các dịch vụ giảm thiểu tác hại cũng như các dịch vụ chữa trị HIV không được thường xuyên, bị ngắt quãng đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030. Vì vậy, theo UNAIDS, nếu các chính phủ, các tổ chức không có những hành động cụ thể và chính sách mạnh mẽ thì khó có thể chấm dứt được bệnh AIDS như mục tiêu chính trị đã đề ra.

Bà Winnie Byanyima nêu: Ngoài những đối tượng bị ảnh hưởng lớn nêu trên, thì phụ nữ sử dụng ma túy cũng đang là đối tượng phải đối mặt với các rào cản về luật pháp, chính sách và xã hội trong việc tiếp cận các dịch vụ chữa trị HIV và các dịch vụ giảm tác hại khác. Hiện UNAIDS đang lo lắng về khoản tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ điều trị HIV/AIDS ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

"Chúng ta phải thực hiện các cam kết để tạo ra các môi trường pháp lý thuận lợi. Đồng thời cần thúc đẩy và mở rộng quy mô giảm tác hại như một cách tiếp cận an toàn và hiệu quả cần thiết để chấm dứt AIDS", bà Winnie Byanyima nói.

Đại dịch COVID-19 khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến AIDS khó khăn hơn

Trong báo cáo năm 2021, đánh dấu 40 năm kể từ khi thế giới ghi nhận các trường hợp HIV đầu tiên, Chương trình phối hợp Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đã nhận định cộng đồng quốc tế đang đi chệch hướng trong việc thực hiện cam kết chung để chấm dứt dịch bệnh hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) do virus HIV gây ra vào năm 2030, mà một trong những nguyên nhân chính là vấn đề bất bình đẳng. Nói cách khác, bất bình đẳng chính là rào cản đối với việc thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Ngay trong nhan đề "Đương đầu với bất bình đẳng", báo cáo của UNAIDS cũng đã phản ánh tình cảnh những người có HIV đang bị bỏ lại phía sau. Tình trạng bất bình đẳng đang cản trở người dân tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS. Sự kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV cũng tạo thành những "chướng ngại vật" cản trở cơ hội tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế, từ xét nghiệm đến điều trị, đối với người có HIV. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe tồn tại lâu nay.

Các nghiên cứu khoa học chỉ rõ nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người có HIV cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV. Theo các nghiên cứu từ Anh và Nam Phi, nguy cơ người có HIV tử vong do COVID-19 cao gấp đôi so với người bình thường. Tuy nhiên, ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara, nơi tập trung tới 67% số người có HIV trên toàn thế giới, đến tháng 7/2021, chỉ chưa đầy 3% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch kéo dài suốt 2 năm qua, những người có HIV là đối tượng dễ bị tổn thương, phải đối mặt với "mối đe dọa kép" và chính COVID-19 đang khiến cộng đồng quốc tế có nguy cơ "lỡ hẹn" với mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030. Riêng năm 2020, thế giới ghi nhận tới 1,5 triệu ca HIV mới, không đạt mục tiêu đề ra là duy trì số ca HIV mới dưới con số 500.000. Cùng thời gian này, khoảng 680.000 người có HIV đã tử vong. Tỷ lệ tỷ vong hàng đầu vẫn là phụ nữ tuổi từ 15- 49 tại khu vực châu Phi và những trường hợp mắc mới phần lớn là trẻ em gái tuổi từ 15-19, một thực tế càng thể hiện rõ vấn đề bất bình đẳng.

Báo cáo AIDS năm 2021 của UNAIDS cho thấy đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất, khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến AIDS trở nên khó khăn hơn.

Các lệnh phong tỏa và những biện pháp hạn chế khác nhằm phòng chống COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xét nghiệm HIV ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến việc chẩn đoán, chuyển tuyến đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị ban đầu cho người có nguy cơ phơi nhiễm hoặc có HIV.


Theo Tiengchuong.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: