Hiệp định EVFTA
Cơ hội đưa sản phẩm chè vào được thị trường "khó tính"

Cập nhật: Thứ ba 18/08/2020 - 15:29
  Anh Tô Văn Khiêm (bên trái), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc giới thiệu sản phẩm chè xuất khẩu của đơn vị.
Anh Tô Văn Khiêm (bên trái), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc giới thiệu sản phẩm chè xuất khẩu của đơn vị.

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước với khoảng 22.000ha). Chè Thái Nguyên còn được mệnh danh là “Đệ nhất danh Trà”, đã được biết đến rộng rãi cả ở trong và ngoài nước. Rõ ràng, tỉnh có tiềm năng rất lớn về sản phẩm chè, nhưng giá trị xuất khẩu của chè Thái Nguyên lại rất thấp và gần như chưa được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường “khó tính”.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý thương mại và Hội nhập (Sở Công Thương), tổng giá trị xuất khẩu (XK) chính ngạch sản phẩm chè của tỉnh hằng năm đạt thấp và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2017, tỉnh XK 2,3 nghìn tấn chè với tổng giá trị 4,3 triệu USD; năm 2018 giảm xuống còn 1,9 nghìn tấn tương đương giá trị 3 triệu USD (tổng giá trị XK chè cả nước cùng năm đó đạt trên 300 triệu USD); đến năm 2019 tiếp tục giảm còn 1,5 nghìn tấn với giá trị 2,5 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh cho biết: So với các tỉnh cũng có thế mạnh về cây chè thì giá trị XK chè của Thái Nguyên thấp hơn nhiều. Tỉnh chưa có doanh nghiệp lớn về XK chè, thiếu vùng nguyên liệu tập trung lớn, ổn định.
 
Ngoài nguyên nhân đó, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã và những người làm công tác quản lý về lĩnh vực chè đều cho rằng chè Thái Nguyên chưa được XK mạnh còn bởi giá chè nguyên liệu quá cao. Trong khi các đơn vị có hoạt động XK chè trên địa bàn lâu nay chủ yếu đưa sản phẩm sang những thị trường truyền thống và “dễ tính” như các nước Trung Đông, Nam Á, Trung Quốc, nơi chỉ chấp nhận giá bán dưới 2 USD/kg chè.
 
Chia sẻ về điều này, bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Tân Cương - Hoàng Bình nói: Chúng tôi đã XK chè theo đường chính ngạch từ đầu những năm 2000, tuy nhiên sản lượng giảm dần vì giá quá thấp, hiện doanh nghiệp chỉ duy trì XK gián tiếp qua đơn vị khác. Nguyên nhân chính là chúng tôi không xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung lớn, điều này khiến chất lượng và sản lượng thiếu ổn định. Trong khi các thị trường “khó tính” như EU, Bắc Mỹ và Nhật Bản đều có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Tại sao khó xây dựng vùng nguyên liệu chè tập trung? Bà Đỗ Thị Đức Lý giải thích: Tiềm lực của doanh nghiệp có hạn nên khó đứng ra mua hàng chục héc-ta để làm vùng nguyên liệu, còn theo hình thức liên kết, thỏa thuận với người dân thì nhiều rủi ro bởi họ dễ phá hợp đồng.
 
Trước thực trạng này, không ít người tâm huyết với chè Thái Nguyên luôn trăn trở tìm hướng XK nhằm ổn định sản xuất lâu dài và nâng cao giá trị sản phẩm. Anh Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, Phú Lương) là ví dụ điển hình. Nắm bắt được xu thế thị trường và đặc biệt là nhằm hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), HTX do anh đứng đầu đã kiên trì xây dựng vùng nguyên liệu chè tập trung trên 40ha (sản xuất hữu cơ). Cuối năm ngoái, sau gần 3 năm tìm hiểu và đàm phán, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ chè với một đối tác lớn tại Ba Lan (nước thuộc khối EU). 
 
Anh Khiêm phấn khởi cho biết: Hợp đồng của chúng tôi có hiệu lực đến hết năm 2026, HTX XK trực tiếp với giá cao hơn nhiều so với nội tiêu. Điều quan trọng là qua đối tác này sản phẩm của HTX có thể thâm nhập vào nhiều nước châu Âu khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và đầu tư thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất…
 
Với Hiệp định EVFTA, nhiều người đánh giá đây là cơ hội tuyệt vời cho ngành Chè nói chung và sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng khi thuế nhập khẩu chè vào các nước EU về 0% (trước đó khoảng 20%). Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức, đó là việc các đơn vị XK chè phải đảm bảo tiêu chí về sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… Vì vậy, doanh nghiệp cần có vùng nguyên liệu tập trung lớn, ổn định, dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị trường đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại. Không riêng thị trường EU mà các thị trường “khó tính” khác cũng có những đòi hỏi tương tự. Và để doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh, tự tin bước vào những thị trường đó thì sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước là không thể thiếu.
Phương Điền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: