Bảo đảm tiến độ đưa Trung tâm Dịch vụ Hành chính công vào hoạt động
Công trình trụ sở Trung tâm Dịch vụ Hành chính công cấp tỉnh đang được đẩy nhanh thi công để đưa vào sử dụng trong quý II-2020. |
Thiết lập đầu mối tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là bước tiến quan trọng, ý nghĩa trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế các cơ quan hành chính của tỉnh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bởi thế, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Trung tâm Dịch vụ Hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động ngay trong quý II năm 2020...
Thực hiện Quyết định số 4162/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ Hành chính công tỉnh Thái Nguyên (Trung tâm), Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đang gấp rút thực hiện các điều kiện, yêu cầu theo quy định.
Theo đó, Trung tâm là đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh; chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh; có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức, biên chế của Trung tâm gồm có: Giám đốc là lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và không quá 2 Phó Giám đốc là 2 lãnh đạo cấp phòng thuộc Văn phòng UBND tỉnh; các bộ phân chuyên môn, nghiệp vụ như: Bộ phận Hành chính - Tổng hợp, bộ phận Giám sát và Giải quyết khiếu nại, bộ phận Tiếp nhận và Giải quyết thủ tục hành chính. Biên chế công chức, viên chức của Trung tâm do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm.
Trung tâm là đầu mối điều hòa, phối hợp, giám sát giải quyết TTHC, các giao dịch giữa bộ máy hành chính Nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp, công dân đảm bảo công khai, minh bạch, khẳng định mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ. Trung tâm được xây dựng tại số 17, đường Đội Cấn (T.P Thái Nguyên) với tổng diện tích 6.030m2, mức kinh phí đầu tư khoảng 68,3 tỷ đồng và được UBND tỉnh giao Sở Nội vụ làm chủ đầu tư. Sau 3 tháng triển khai xây dựng, các nhà thầu đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng xây lắp và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để bàn giao công trình trước tháng 5 năm 2020. ông Phạm Tuấn Cẩn, Trưởng phòng Cải cách Hành chính (Sở Nội vụ) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã tham mưu xây dựng các nội dung về chuyên môn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm. Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, Sở Nội vụ đã ủy quyền cho một đơn vị chuyên trách về quản lý đầu tư các công trình xây dựng làm chủ đầu tư.
Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ Hành chính công tỉnh Thái Nguyên đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính bố trí đủ nên các nhà thầu đang tập trung cao độ để thi công. Đối với nội dung về nhân sự và cơ chế vận hành Trung tâm Dịch vụ Hành chính công cấp tỉnh cũng đang được Văn phòng UBND tỉnh triển khai tích cực. Theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung tâm Dịch vụ Hành chính công cấp tỉnh sớm phải vận hành nhưng không tăng biên chế lãnh đạo quản lý; các bộ phận chuyên môn sâu được điều động từ các sở, ngành của tỉnh để cán bộ thạo việc, xử lý TTHC nhanh, hiệu quả, đúng pháp luật. Cụ thể, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Hành chính công cấp tỉnh sẽ do lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh kiêm nhiệm. Đồng chí Nguyễn Đức Tôn, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết: Để đảm bảo Trung tâm vận hành hiệu quả ngay khi đi vào hoạt động, Văn phòng UBND tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, bổ sung cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực để trình lãnh đạo UBND tỉnh ra quyết định thành lập. Văn phòng UBND tỉnh cũng đang tập trung thực hiện các yêu cầu về đầu tư trang thiết bị chuyên dụng để khi các nhà thầu bàn giao cơ sở vật chất sẽ tiến hành lắp đặt ngay thiết bị. Theo kế hoạch, Trung tâm Dịch vụ Hành chính công cấp tỉnh sẽ đi vào hoạt động từ ngày 01/5/2020 để thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC nhanh gọn, hiệu quả.
Trung tâm Dịch vụ Hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong công tác CCHC, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ quan hành chính cấp tỉnh; giảm thiểu sự cồng kềnh, chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của công chức, viên chức. Đây cũng là mong đợi bấy lâu của các tổ chức và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh về nền hành chính phục vụ, không còn sự phiền hà, sách nhiễu…