Công bố Chỉ số PAPI 2019: Thái Nguyên thuộc nhóm trung bình thấp
Sáng nay (28-4) đã diễn ra buổi Công bố trực tuyến Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (Chỉ số PAPI) năm 2019. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đạt điểm tổng hợp 43,2, nằm trong số 15 tỉnh nhóm trung bình thấp (có 16 tỉnh nằm trong nhóm cao nhất, 16 tỉnh nhóm trung bình cao, 15 tỉnh trung bình thấp và 16 tỉnh nhóm thấp nhất; tỉnh đạt điểm cao nhất là Bến Tre - 46,74, thấp nhất là Bình Định – 40,84). Năm trước, Thái Nguyên đạt tổng điểm 45,66 và nằm trong nhóm các tỉnh có điểm tổng hợp PAPI cao nhất.
Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử); 28 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.
Trong số 8 chỉ số thành phần của PAPI 2019, Thái Nguyên có 2 chỉ số đạt điểm ở mức cao nhất là Công khai minh bạch và Quản trị điện tử; 3 chỉ số đạt điểm mức thấp nhất là: Quản trị môi trường, Cung ứng dịch vụ công và Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tính đến hết 2019, khảo sát PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 131.501 người dân. PAPI góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương nâng cao hiệu quả quản lý.
Dữ liệu và thông tin thực chứng từ Chỉ số PAPI cho thấy “bức tranh” thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng yêu cầu của người dân. Chỉ số PAPI đóng vai trò là ‘tấm gương’ giúp các cấp chính quyền soi chiếu lại hoạt động trong một năm vừa qua, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh, văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương. PAPI cũng là diễn đàn mở để người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền.