Náo nức chờ đợi hội Trà
Nhân dân trong tỉnh tích cực chuẩn bị các sản phẩm chè ngon nhất để du khách thưởng thức trong dịp Festival. Trong ảnh: Người dân xã Thành Công (T.X Phổ Yên) thu hái chè. |
“Đến hẹn lại lên”, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, nơi hội tụ của tinh hoa trà Việt, sẽ được tỉnh tổ chức vào tháng 11 năm nay. Để góp phần cho ngày hội thành công, những ngày này, nhân dân, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã náo nức chuẩn bị nương chè, không gian văn hoá trà đẹp nhất phục vụ du khách thưởng ngoạn.
Sở hữu vùng chè ngon và cảnh quan sơn thuỷ hữu tình đẹp có tiếng, bởi thế trong các dịp Festival Trà, xã La Bằng đều được chọn là điểm nhấn văn hoá trà của huyện Đại Từ. Trong Festival trà lần này, La Bằng sẽ tiếp tục trở thành điểm đến để du khách hoà quện với không gian văn hoá trà giữa núi rừng, bên trà nương “sắc nước hương trời” và khúc hát Then, đàn Tính réo rắt. Những ngày đầu tháng 10, khi không khí chuẩn bị cho ngày hội chè lớn nhất của tỉnh đang “ấm” dần, thì miền quê dưới chân Tam Đảo này cũng “rục rịch” với các hoạt động chỉnh trang nương chè, tập văn nghệ, thu dọn và trang trí không gian văn hoá trà. Ông Dương Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: Ngay từ khi có kế hoạch của huyện, xã đã xây dựng kế hoạch, giao cho Đoàn Thanh niên xã chịu trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, Hội Nông dân phụ trách các nương chè đẹp, còn nhân dân xóm Tiến Thành chỉnh trang không gian văn hoá trà. Xã lựa chọn 3 xóm Tiến Thành, Kẹm, Đồng Đình là nơi du khách tham quan, trải nghiệm các công đoạn thu hái, chế biến chè. Những khu lưu trú phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng trong xã cũng đã được chuẩn bị tươm tất, hy vọng tạo cho du khách ấn tượng khó quên khi về với vùng chè La Bằng.
Không chỉ có La Bằng, tại các vùng chè nổi tiếng của tỉnh như Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trại Cài (Đồng Hỷ), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), những hoạt động chuẩn bị cho Festival chè đều được các địa phương ráo riết thực hiện. Trong những ngày diễn ra Festival trà, các địa phương này đều tổ chức nhiều hoạt động tại không gian văn hoá trà như mời trà, giới thiệu văn hóa trà, hát Then, đàn Tính tại các bàn trà; trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống, sản vật của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng dựng trại, tổ chức thi các trò chơi dân gian như: tung còn, bịt mắt bắt dê, thi kéo co, bịt mắt đập niêu đất; tổ chức giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp.
Ngoài các vùng chè nổi tiếng, dịp Festival cũng là lúc các công ty, làng nghề, hợp tác xã (HTX), cơ sở chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm. Để hoạt động quảng bá đạt hiệu quả cao nhất, ngay từ lúc này, các đơn vị tham gia đã tích cực chuẩn bị cho ngày hội lớn. Các HTX, làng nghề đã chú trọng dọn vệ sinh, xây dựng cảnh quan, môi trường sạch sẽ ở nương chè cũng như khu vực sao sấy. Bình thường nương chè đã gọn thì nay còn được người dân tạo lối đi, vị trí nào khó còn được tạo bậc thang, kê gạch cho thuận lợi. Việc chăm sóc nương chè cũng được đặc biệt chú ý để nương chè vươn búp xanh non đúng dịp Festival diễn ra để du khách thưởng ngoạn. Ngoài ra, các đơn vị tham gia cũng đặc biệt chú ý cải tiến mẫu mã, giới thiệu sản phẩm mới nhất, ngon nhất đến du khách bốn phương. Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: Dịp Festival trà lần này, HTX chè Tân Hương tham gia tất các các cuộc thi như bàn tay vàng chế biến chè, búp chè vàng, nghệ thuật pha trà, mời trà, mở gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm trà. Để đạt kết quả tốt nhất, từ đầu tháng đến nay, các xã viên, thành viên HTX đã tích cực chuẩn bị các khâu cần thiết và tổ chức tập luyện. Trong dịp này, HTX cũng quyết định cung cấp thêm sản phẩm mới là loại trà gói nhỏ 10g, cải tiến mẫu mã, in ấn bao bì sản phẩm đẹp hơn với túi xách đồng bộ.
Với những người dân trồng, chế biến chè trên địa bàn tỉnh thì Festival trà còn hứa hẹn cả vụ chè bội thu. Qua các mùa Festival, sản phẩm chè Thái Nguyên ngày càng khẳng định chất lượng, vị trí trong lòng khách hàng, cũng vì vậy mà giá bán chè đã được nâng lên. Trước đây, người tiêu dùng nâng lên đặt xuống trước mỗi cân chè có giá 100 đến 200 nghìn đồng thì nay không ít khách hàng đã sẵn sàng bỏ tới vài triệu đồng để mua một cân chè đúng hiệu đặc sản Thái Nguyên. Từ việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, người dân trong tỉnh cũng tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, việc chăm sóc, thu hái, sao sấy đã được chú ý để tạo nên các sản phẩm đặc trưng riêng biệt như chè đinh, tôm nõn, móc câu… Trước mùa Festival lần này, những người trồng và chế biến chè trong tỉnh vẫn đặt mục tiêu cao nhất là tạo nên sản phẩm chất lượng, đặc sắc, cuốn hút người tiêu dùng. Bà Lê Thị Thuỷ, xóm Thác Dài, xã Vô Tranh (Phú Lương) cho biết: Khi nhận được tin Festival Trà lần thứ 3 được tổ chức vào tháng 11 năm nay, tôi và người dân trồng chè ở địa phương rất vui mừng. Bởi cũng nhờ 2 mùa Festival trước mà sản phẩm của làng nghề chè Thác Dài được biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi, giá chè nâng cao. Mùa Festival Trà lần này, bên cạnh việc chỉnh trang nương chè đẹp, chuẩn bị tiếp đón khách tham quan tại địa phương, người dân trồng chè trong xã cũng nỗ lực làm những sản phẩm trà ngon nhất để du khách bốn phương thưởng thức.
Festival trà là dịp để cây chè, người trồng, chế biến chè được tôn vinh, bởi thế mà trước mỗi mùa Festival, nhân dân trong tỉnh lại có chung tâm trạng náo nức, tích cực chuẩn bị để “khoe” những gì đẹp nhất tinh tuý nhất về cây chè người làm chè với bè bạn gần xa.