Quy hoạch khu đô thị, khu dân cư ở TP. Thái Nguyên: Đẹp nhưng chưa hiện đại (Kỳ 3)
Thông qua triển khai các dự án đầu tư KĐT, KDC đã góp phần giải quyết về nhu cầu xây dựng nhà ở của nhân dân. |
Kỳ 3: Lượng phải đi kèm chất và giữ bản sắc vùng, miền
TP. Thái Nguyên đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị văn minh, hiện đại, mở rộng về hai bên bờ sông Cầu. Đồng thời, là một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, du lịch và “đầu tàu” phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ… Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố còn rất nhiều việc phải quan tâm triển khai đồng bộ.
Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp
Trong các khu dân cư (KDC) trên địa bàn TP Thái Nguyên hiện nay, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, năng lực quản lý và phát triển đô thị chưa đồng đều. Mặt khác, theo đánh giá, ở các KDC, khu đô thị (KĐT), bản sắc địa phương còn chưa rõ nét, cảnh quan không gian kiến trúc chưa theo trật tự, chưa tạo được tiếng nói và đặc điểm riêng. Điều này một phần là do chất lượng của các đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, nghiên cứu chưa thấu đáo.
Những hạn chế nêu trên đã được lãnh đạo TP. Thái Nguyên quan tâm và đề ra nhiều giải pháp để khắc. Hiện nay, TP. Thái Nguyên đang tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xây dựng các KĐT, KDC hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển.
Đặc biệt, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ mang tính bứt phá như: Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thái Nguyên để đầu tư xây dựng quần thể không gian công cộng lớn (quảng trường, phố đi bộ, khu đô thị mới, cơ quan hành chính của tỉnh…); đầu tư mới sân vận động Thái Nguyên với quy mô 22.000 chỗ ngồi, đạt tiêu chuẩn quốc gia…
Theo Kiến trúc sư Trần Hải Hưng: Để thực hiện được mục tiêu trên, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là có định hướng phát triển quy hoạch tổng thể TP. Thái Nguyên. Với bài toán cụ thể về phân bổ định hướng và phát triển dân cư trong thành phố với tiện ích xã hội đáp ứng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và cây xanh đồng bộ, quản lý quy hoạch chặt chẽ. Vấn đề quan tâm trực tiếp tại mỗi dự án KĐT, KDC là vị trí phải tuân theo quy hoạch định hướng phân bổ dân cư để đáp ứng tổng thể. Hiện nay các KĐT, KDC chủ yếu do chủ đầu tư lựa chọn vị trí dựa trên điều kiện thuận tiện kinh doanh của mình, đôi khi còn điều chỉnh cả quy hoạch để theo ý đồ riêng.
Mặt khác, theo ông Hưng, quy hoạch các KDC, KĐT phải đánh giá cụ thể về dân số, tiện ích xã hội, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, tác động môi trường, bản sắc vùng miền, tính bền vững so với quy hoạch tổng thể chung cũng như các KDC cũ mới xung quanh và nhất là bài toán tác động trước và sau khi dự án hình thành, đi vào hoạt động…
Việc hình thành dự án KĐT, KDC tới đây phải đi kèm với việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nội bộ và kết nối bên ngoài dự án. Theo ý kiến của nhiều người dân đang sinh sống tại các KĐT, KDC, cấp ủy, chính quyền TP.Thái Nguyên phải tranh thủ được tham vấn, phản biện của các chuyên gia, người dân trong việc điều chỉnh quy hoạch chung để lựa chọn phương án chuẩn xác, công tâm. Cùng với đó, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các đô thị đi trước; lựa chọn nhà đầu tư có tâm có tầm, có năng lực tài chính. Đồng thời tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ kiến thức của nhà quản lý và trách nhiệm của công dân sống trong đô thị.
Rác thải sinh hoạt được người dân đốt trong Khu đô thị Picenza 2.
Xây dựng các KĐT, KDC mang đậm bản sắc riêng
Đô thị - dù phát triển đến tầm nào cũng phải giữ bản sắc riêng. Đây là cơ sở để duy trì tính bền vững cũng như sự liên tục trong tiến trình phát triển. Bản sắc, gắn với các yếu tố văn hoá - lịch sử kết nối vào quá trình phát triển là một nội dung không thể tách rời. Nhiều ý kiến cho rằng hầu hết các KĐT, KDC trên địa bàn TP. Thái Nguyên chưa tạo được bản sắc riêng, đặc biệt là nét vùng miền của tỉnh.
Đem câu chuyện này ra trao đổi, một số nhà đầu tư cũng thừa nhận khi bài toán và mục đích ban đầu chỉ là lợi nhuận thì việc làm thế nào để chi phí bỏ ra là ít nhất, lợi nhận cao nhất và bán được nhanh nhất để thu hồi vốn thì những vấn đề như giữ gìn bản sắc kiến trúc vùng miền… chỉ là yếu tố phụ, mà nhiều khi chủ đầu tư cũng muốn bỏ qua để tích kiệm và đạt hiệu quả.
Hiện nay TP. Thái Nguyên đang trong quá trình phát triển nhanh, triển khai nhiều dự án đầu tư KĐT, KDC, “chiều” các nhà đầu tư mọi mặt. Do đó, nếu chưa thực sự có cái nhìn đúng và bài toán cân bằng của sự được - mất chưa được đặt ra thì chúng ta sẽ gặp phải các vấn đề này trong ngay tại thời điểm hiện tại, chưa kể nhiều hệ lụy trong tương lai.
Đã đến lúc thành phố cần nhìn nhận, rà soát, đánh giá lại những mặt được, các tồn tại của những dự án đầu tư xây dựng KĐT, KDC để rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp tục đi học tập kinh nghiệm của các thành phố, đô thị đi trước làm bài học cho chính mình.
Trong quá trình thực hiện các dự án KĐT, KDC cần đánh giá những yếu tố bản sắc đặc trưng để tạo nét riêng cho mỗi dự án, cũng là yếu tố điểm nhấn đặc sắc thu hút và khác biệt. Trong quá trình thu hút đầu tư cần nhìn nhận, đánh giá, thanh lọc lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai các dự án đúng nghĩa.
Quản lý chặt từ quy hoạch đến triển khai
Theo lý giải của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên: Phát triển các KĐT, KDC là tất yếu. Đô thị tốt hay không cấu trúc của tế bào phải tốt, tức là KDC phải tốt.
"Để nói quy hoạch của TP. Thái Nguyên tốt chưa theo tôi là chưa tốt, vì cấu trúc chưa tốt bộc lộ qua những hạn chế như: Tắc đường, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, thiếu sự kết nối, thiếu cây xanh, bụi, vấn đề thu gom rác thải, ý thức người dân đến kết nối hạ tầng. Nhìn tổng quát ở TP.Thái Nguyên chưa có KĐT nào hoàn chỉnh. Phát triển đô thị hiện nay ở TP. Thái Nguyên tăng trưởng đã tốt, nhưng cần quan tâm đến cấu trúc xây dựng bền vững, phải có lộ trình phù hợp. Quản lý chặt chẽ từ quy hoạch đến thực hiện các dự án của chủ đầu tư." |
Do vậy, để các chủ đầu tư thực hiện theo đúng cam kết, các dự án triển khai đảm bảo tiến độ, theo đúng quy hoạch được phê duyệt thời gian tới, TP. Thái Nguyên cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để tăng cường công tác quản lý lập quy hoạch, đầu tư, phát triển các KĐT, KDC, khu nhà ở trên địa bàn; quản lý chặt chẽ các dự án này từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến thời điểm dự án hoàn thành; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai và việc thanh, quyết toán các dự án.
Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến, thành phố cần tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan; đồng thời, phát hiện chấn chỉnh, khắc phục ngay những vi phạm (nếu có), kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong quản lý đầu tư.
Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục đầu tư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao quỹ sạch đất sạch cho nhà đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi, cũng là động lực thúc đẩy đô thị TP. Thái Nguyên – Thủ đô kháng chiến – Thủ phủ Khu tự trị Việt Bắc một thời vươn lên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc.