Chị Trần Thị Thúy Lương (Thái Nguyên) gắn bó với ngành bảo hiểm đã tròn 20 năm. Dù bận rộn với vai trò Giám đốc văn phòng Tổng Đại lý của Prudential, chị vẫn thường xuyên thăm hỏi, quan tâm tới từng khách hàng của mình. Với chị, phục vụ khách hàng là công việc chị “được” làm bằng cả đam mê, tâm huyết.
Gắn bó với bảo hiểm trong một chặng hành trình dài, điều gì làm chị gắn bó với công việc này?
Tôi đến với ngành bảo hiểm nhân thọ vào năm 2001 và gắn bó đến nay. Trong 20 năm làm nghề, tôi trải qua nhiều vai trò như Chuyên viên tư vấn tài chính, Trưởng phòng, Trưởng ban kinh doanh và hiện là Giám đốc văn phòng Tổng đại lý Prudential Thái Nguyên 1. Nhiều người tò mò hỏi tôi làm mãi một công việc, liệu có lúc nào đó tôi cảm thấy thấy mệt mỏi, vì sao tôi luôn nhiệt huyết, giàu năng lượng vậy.
Với tôi, đã trót đam mê công việc này thì sẽ không bao giờ thấy mệt. Mỗi ngày tôi “được” làm công việc mình yêu thích, không giàu năng lượng mới lạ (cười).
Chắc hẳn trong hành trình 20 năm làm nghề, chị đã phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Chị vượt qua như thế nào?
Khi mới bước chân vào nghề, giống như các đồng nghiệp của mình, tôi đã gặp phải nhiều cản trở. Gia đình, người thân, bạn bè không ủng hộ, thậm chí can ngăn. Khách hàng hoài nghi, từ chối. Cũng khó tránh khỏi điều này bởi lúc đó bảo hiểm còn khá xa lạ, xã hội còn nhiều định kiến nặng nề.
Vượt qua những điều đó, tôi chắt chiu từng cơ hội để tiếp cận và tư vấn khách hàng. Ký được một hợp đồng bảo hiểm nhỏ cũng khiến tôi hạnh phúc cả ngày và quên hết mệt mỏi. Từng chút một, tôi tiến xa hơn và công việc mỗi ngày một rộng mở hơn.
Hiện tại xã hội đã cởi mở hơn với bảo hiểm, vì sao có sự thay đổi này?
Tôi rất tâm đắc một câu nói: “Chừng nào cuộc sống không có trẻ em sinh ra, không có người già đến tuổi về hưu, không có bệnh hiểm nghèo và tai nạn, lúc đó bảo hiểm sẽ dừng lại”. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra.
Cuộc sống hiện đại đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ thiếu thốn vật chất, giờ đây khi đã đủ ăn, đủ mặc, mọi người bắt đầu biết tiết kiệm và dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra, cũng như nghĩ tới việc chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Bảo hiểm chính là giải pháp cho những vấn đề này. Mặt khác, khi được chứng kiến “mắt thấy, tai nghe” những hoàn cảnh rủi ro được công ty bảo hiểm chi trả, mọi người cũng dần thay đổi cách nhìn về bảo hiểm.
Xã hội đã có thiện cảm hơn với bảo hiểm cũng có nghĩa công việc của chúng tôi đang được nhìn nhận đúng với giá trị của nó.
Chị có thể chia sẻ một câu chuyện “mắt thấy, tai nghe” về khách hàng của mình?
Tôi có khách hàng là hai mẹ con ở Thái Nguyên, gia cảnh không mấy dư dả. Trong một lần khám sức khỏe định kỳ, người con bị phát hiện và chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp. May mắn là nhờ có hợp đồng bảo hiểm của Prudential mà cô ấy đã có chi phí để chữa bệnh.
Rủi ro không dừng ở đó, khi tình cờ kiểm tra sức khỏe trong lần đưa con gái tới bệnh viện, người mẹ bị chẩn đoán mắc bị ung thư dạ dày. Mặc dù chị không qua khỏi, nhưng nhờ vào số tiền bồi thường từ hợp đồng bảo hiểm của Prudential chi trả mà gia đình chị một lần nữa vơi đi gánh nặng tài chính đè nặng lên vai khi phải trang trải chi phí chữa trị cho cả hai mẹ con.
Trong hoàn cảnh đó, bảo hiểm chính là chiếc phao cứu sinh, giúp gia đình vượt qua được nghịch cảnh liên tiếp ập đến. Nếu không phải là công ty bảo hiểm nhân thọ thì ai sẽ giúp họ trang trải chi phí điều trị vô cùng tốn kém?.
20 năm làm nghề, tôi gặp không ít những hoàn cảnh thương tâm tương tự, khiến mình rơi nước mắt. Càng làm, tôi càng thấy bảo hiểm không chỉ giúp được một người, mà giúp được cả một gia đình, cả một tương lai của con trẻ. Hãy hình dung nếu người trụ cột gia đình mất đi hoặc không còn khả năng tạo ra thu nhập thì sẽ khó khăn như thế nào để con cái của họ tiếp tục theo đuổi những ước mơ, dự định như vào đại học hoặc xa hơn.
Vì vậy, mang đến sự bảo vệ an toàn tài chính cho các gia đình là công việc tôi muốn làm và sẽ phải làm tốt hơn nữa.
Chị có cho rằng bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực hấp dẫn đối với người trẻ?
Có thể nói, bước chân vào ngành bảo hiểm là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi, giúp cuộc sống của tôi bước sang một trang hoàn toàn mới. Không chỉ tìm thấy ý nghĩa của công việc mà tôi trân quý, bảo hiểm còn giúp tôi tạo dựng một sự nghiệp vững vàng, có điều kiện tốt để chăm lo và nuôi nấng hai con ăn học, trưởng thành.
Tôi tin rằng đây là lĩnh vực vô cùng tiềm năng để các bạn trẻ xây dựng sự nghiệp và vươn tới thành công, thay đổi cuộc đời mình như tôi đã từng.
Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang muốn phát triển sự nghiệp với nghề tư vấn tài chính bảo hiểm?
Để thành công tôi cho rằng người làm nghề cần hạ “cái tôi” xuống. Nhiều tư vấn viên vào nghề còn e dè bởi mang nặng tâm lý “đi xin”, và thậm chí không bước qua được chính những rào cản do mình tạo ra. Trên thực tế, bảo hiểm là công việc mang đến quyền lợi cho khách hàng, chứ không phải lấy đi từ khách hàng. Thật buồn là đôi khi rủi ro và sự cố ập tới, mọi người mới nhìn nhận bảo hiểm đúng với giá trị, ý nghĩa của nó.
Từ những trải nghiệm của mình, tôi cũng nhận thấy bảo hiểm là một môi trường rèn luyện tính kỷ luật cao, đòi hỏi người tư vấn viên phải luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi, trau dồi bản thân. Trong 20 năm qua, tôi gần như chưa bao giờ vắng mặt ở bất kỳ cuộc họp, một buổi huấn luyện nào.
Với tôi, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng, luôn kiên định và kỷ luật với mục tiêu đề ra chính là “lời giải” cho thành công.
Trong gia đình, chị có định hướng cho các con kế nghiệp công việc chị đang làm?
Dĩ nhiên là có rồi (cười), cả hai con của tôi đều đang làm việc trong ngành bảo hiểm. Con gái tôi hiện làm công việc chăm sóc và phục vụ khách hàng tại văn phòng Tổng đại lý Thái Nguyên 1. Con trai vừa học đại học, vừa làm công việc tư vấn tại Hà Nội.
Các con thường nói “Mẹ là người thầy gương mẫu. Chúng con chẳng phải học ở đâu xa, học ngay ở mẹ”. Sở dĩ nói điều này là vì từ nhỏ các con đã chứng kiến công việc mẹ làm. Khi các con lớn hơn một chút, có khó khăn, thuận lợi hay niềm vui gì trong công việc tôi đều kể cho các con nghe. Từ đó, các con “ngấm” lúc nào không hay.
Hiện tại, tôi luôn khích lệ các con học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, cũng như theo chân mẹ tới các buổi hội thảo, họp hành để quan sát, học hỏi thực tế.
Chứng kiến các con khôn lớn và trưởng thành, tôi vừa thấy hạnh phúc, vừa yên tâm. Hy vọng một ngày không xa, các cháu có thể đứng trước mặt nói với mẹ rằng con đã đủ khả năng, đủ tự tin. Lúc đó tôi sẽ dừng lại và để con tiếp quản công việc tại văn phòng. Hiện tại, tôi vẫn đam mê và rất yêu nghề.
Trong thời gian tới, chị đặt ra mục tiêu gì cho văn phòng mình?
Tôi rất thích câu nói vui “Prudential không cần quà, chỉ cần bạn”. Câu nói này phần nào thể hiện chiến lược tập trung vào con người và cộng đồng mà Prudential hướng tới, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, khi cuộc sống mong manh hơn bao giờ hết.
Tôi cho rằng thành công của mình luôn gắn liền, song hành với thành công của tất cả mọi người trong văn phòng. Một cá nhân tốt sẽ giúp tập thể vững mạnh và ngược lại. Mục tiêu của chúng tôi là cùng nhau giữ vững danh hiệu văn phòng Tổng đại lý xuất sắc của Prudential (GA Diamond) và luôn là một “mái nhà” yêu thương gắn kết.
Xin trân trọng cảm ơn về những chia sẻ của chị!
TNĐT
Cập nhật: Thứ năm 28/10/2021 - 09:07