Những người con của bản:
Bài III: Tìm lại mình qua câu hát
Ông Trần Gia Cát (người đứng giữa) động viên bà con gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. |
Là người dân tộc Kinh, nhưng ông Trần Gia Cát, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được nhiều người dân tộc Sán Dìu gọi thân thiện: Người khơi nguồn của bản. Còn ông Cát khiêm tốn: Tôi chỉ là một trong rất nhiều cán bộ, đảng viên của địa phương quan tâm tới tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người dân về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có việc khôi phục, phục dựng và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào người dân tộc Sán Dìu.
Sinh ra ở Nam Hòa, lớn lên cùng câu hát Soọng Cô, nên tâm hồn ông thẩm thấu được những nét đẹp văn hóa tinh túy của đồng bào. Bởi vậy, ông trân trọng, nâng niu và luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ông cho biết: Người Sán Dìu chủ yếu lập làng, bản ở các vùng bán sơn địa, và tập trung đông nhất ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình và T.X Phổ Yên. Cuộc sống của đồng bào dù còn chưa hết khó khăn, nhưng câu ca, tiếng hát và những nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được lưu truyền, gìn giữ trong các dòng họ, gia đình, nhất là với các bậc cao niên, mỗi người được ví như một pho sử sống.
Bởi sự xâm nhập của nhiều thứ văn hóa ngoại lai, những bản làng vùng bán sơn địa thưa dần câu hát Soọng Cô. Đám con trai ngại nói tiếng dân tộc mình, “chạy theo tân nhạc, nhảy disco, nghe nhạc sàn; đám con gái không thích học hát ví, đôi tay sao nhãng việc se sợi bông, “lười” đường kim, mũi chỉ và ngại vào bếp làm các món ăn truyền thống. Nhiều người trong giới trẻ khi được ông bà, bố mẹ nhắc nhở giữ nếp nhà, đã không ngần ngại, bảo các cụ lạc hậu, không theo kịp thời đại.
Người già thường cả nghĩ, “sợ” nói nhiều làm ảnh hưởng tới quan hệ gia đình, nên lẳng lặng nghe, nhìn con cháu chạy theo lối sống hiện đại, con trai mặc quần âu, áo sơ mi; con gái mắc zip, đầu không mang khăn, chân không mang xà cạp. Chúng không tìm hiểu nhau bằng câu hát Soọng Cô, mà đến với nhau qua Facebook, tin nhắn điện tử.
Một lần ngồi trà nước với cụ Hoàng Văn Long, bậc cao niên ở xóm Chí Son - xóm có hơn 200 hộ người dân tộc Sán Dìu. Cụ Long thở dài nói với ông Cát: Nhìn lớp trẻ chạy theo nhịp sống hiện đại, ban đầu thấy khó coi, nhưng lâu ngày buộc mình phải quen… Không chỉ sống mẫu mực, cụ Long còn là người duy trì, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có hát Soọng Cô, nên cụ được đồng bào người dân tộc Sán Dìu quý mến, gọi cụ là nghệ nhân. Đây chính là một trong những lý do để ông Cát tìm đến nhà cụ Long trò chuyện, tìm hiểu về phong tục tập quán, về các hoạt động văn hóa tinh thần trong đời sống của đồng bào. Qua đó ông nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và tìm cách khơi gợi, giúp cụ long và các già làng “phương hướng” truyền thụ lại cho con cháu những “báu vật” của dân tộc mình.
Trước năm 2000, khi địa phương triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ông Cát chủ động cùng các đồng chí lãnh đạo trong Đảng ủy, chính quyền vận động đồng bào đăng ký thực hiện các tiêu chí cuộc vận động. Là cán bộ lãnh đạo xã, công việc bận rộn, nhưng ông vẫn tìm đến nhà cụ Long và các nghệ nhân hát Soọng Cô Miêu Thị Nguyệt, xóm Na Quán; nghệ nhân Đặng Thị Hai; nghệ nhân Lý Hòa, xóm Cầu Đất; nghệ nhân Âu Văn Tư, xóm Trại Gião… vận động tham gia khôi phục câu hát Soọng Cô. Thấy ông Cát nhiệt tình, có nghệ nhân bảo: Từ lâu, các già làng đã nhắc nhở, mong muốn con cháu cất cao lại câu hát Soọng Cô, nhưng cứ khất lần vì bận rộn, nên câu hát dần gầy mòn theo thời gian. Lo nhất là các cụ già đang lặng lẽ mang câu hát theo về tiên tổ. Nay, được cán bộ Cát về tận nhà động viên, khác nào mạch nước ở con suối đầu nguồn được khơi đường, hạt giống giấu trong bọc được mang ra gieo trồng trên đất tốt.
Bắt đầu từ xóm Chí Son, phong trào hát Soọng Cô lan sang các xóm Cầu Đất, Trại Gião, Na Quán… Đến năm 2005, đi rẫy, đi ruộng, vào nhà mới, đám cưới, vào dip các xóm tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân”, mừng xuân mới… lời Soọng Cô ngân lên như suối chảy, gió gieo chẳng muốn ngừng. Ông Cát tâm đắc: Đồng bào người dân tộc Sán Dìu tự hào có câu hát Soọng Cô. Mừng nhất là trong đồng bào có những người say mê dịch các bài hát Soọng Cô bằng chữ Hán cổ, như ông Trịnh Ngọc Thông, ở xóm Na Quán. Còn bà Miêu Thị Nguyệt, cùng ở xóm Na Quán đã sưu tầm, chép, dịch được hàng nghìn bài hát Soọng Cô cổ và Soọng Cô mới. Hiện trong xã đã có hàng chục cháu nhỏ tham gia tập hát Soọng Cô. Tại các buổi giao lưu, người tham gia cuộc hát đều mang trang phục truyền thống.
Nhân nói đến trang phục, ông Cát kể: Khi hát Soọng Cô đã trở thành một phong trào rộng khắp trong xã, tôi lại tìm đến nhà các nghệ nhân nghe hát giao lưu (trước đây là hát giao duyên) để tự thẩm âm. Vui lắm, song tôi cảm nhận trong câu hát chưa rõ nét hình hài của đồng bào người dân tộc Sán Dìu, vì một lý do đơn giản là người tham gia cuộc hát chưa có trang phục riêng của dân tộc mình. Đó là vào năm 2005, tôi cùng anh Chu Văn Phúc (lúc đó tôi là Bí thư Đảng ủy, anh Phúc làm Chủ tịch UBND xã) trích tiền ngân sách lên tỉnh Lạng Sơn, tìm mua được hàng chục vuông vải chàm của đồng bào dân tộc Nùng, mang về may được 14 bộ trang phục truyền thống của đồng bào người dân tộc Sán Dìu, trong đó có 7 bộ nam và 7 bộ nữ. Để “sao y bản chính”, tôi tìm mượn được 1 bộ trang phục gốc, mang về, thuê thợ may tháo rỡ ra toàn bộ, nghiên cứu đường cắt, đường kim, cách đính cúc, gắn lắc bạc trang trí trên áo… Những bộ trang phục này, xã cho bà con mượn khi tham gia các hội diễn. Sau này, chúng tôi đóng một tủ lớn, đặt tại nhà văn hóa trung tâm xã, bà con đến xem, về cứ y mẫu làm theo. Bây giờ thi đi hát Soọng Cô, các nghệ nhân của Nam Hòa đều có trang phục truyền thống.
Trở về xóm Chí Son, chúng tôi gặp các nghệ nhân hát Soọng Cô là Hoàng Văn Phúc, Hoàng Văn Thuận, Đỗ Thị Sìn, Vi Thị Chanh… đang súng sính trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Khi ấy, tôi thấy ánh mắt ông Cát vui lắm, nên câu chuyện giữa ông và các nghệ nhân thân thiện, gần gũi. Các nghệ nhân bảo: Ông Cát không biết hát Soọng Cô, nhưng ông hiểu được lòng của người hát Soọng Cô. Nhớ dạo tháng Tư, Ngày hội dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất năm 2016 được tổ chức tại xã Nam Hòa, nhân đó cơ quan chức năng công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với loại hình hát Soọng Cô. Trong ngày hội có thi hát, thi thể thao và thi ẩm thực, ông Cát lại là người trực tiếp tham mưu, giúp ban tổ chức về từng nội dung thi, bảo đảm đúng với bẳn sắc văn hóa đồng bào người dân tộc Sán Dìu. Ông Cát tâm đắc: Ẩm thực độc đáo của người Sán Dìu là cà ghém, cháo trắng, bánh lẳng, xôi đen. Xôi đen là loại thực phẩm chỉ người dân tộc Sán Dìu mới có.
Bên một cuộc hát giao lưu Soọng Cô, các nghệ nhân Đỗ Thị Sìn, Vi Thị Chanh, xóm Chí Son nói với chúng tôi: Ông Cát tường tận, rành rẽ các phong tục, tập quán của đồng bào người dân tộc Sán Dìu. Hơn thế, ông là người gần gũi, gắn bó, giúp người dân tộc Sán Dìu chúng tôi tìm lại chính mình qua câu hát và các nét đẹp văn hóa truyền thống.