Hướng tới Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015:
Đạo trà
Các thí sinh tham dự Cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” (trong khuôn khổ Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015) tham dự phần thi pha trà tinh tế. Ảnh: Quốc Phong |
Đến với Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015, nhẩn nha ẩm, ca, tâm hồn phiêu diêu như bơi trong dòng Then, câu lượn. Lòng nhẹ nâng theo tiếng đàn tính dìu ta về miền hoài niệm với bể dâu, nương chè. Một vùng đất trải dài bên sườn Tam Đảo, có dòng sông Công, sông Cầu… uốn khúc ôm lấy từng triền đồi để tắm tưới cho luống chè nảy lộc biếc, dâng hiến cho con người những tinh tuý đất trời.
Tay nâng chén trà sóng sánh xanh, thấy sợi khói nhẹ loang mang theo mùi hương cốm tháng Mười, môi nhẹ nhấp lấy cái vị chát của chè, hơi ấm của nước để cảm nhận được dư vị hậu ngọt. Cái thú uống trà lặng lẽ đi vào đời sống con người từ hàng trăm năm nay, và dần trở thành một nét đẹp văn hoá ẩm thực độc đáo. Hơn thế, trà còn là thứ để con người ta nhắc nhớ đến một vùng đất, thậm chí là một quốc gia. Như Trà Kinh Trung Quốc, Trà Đào Nhật Bản và Trà Phong Việt Nam. Thế giới đã có hàng kho sách nói về chè và trà.
Ở Việt Nam cũng có nhiều sách nói về chè và trà, trong đó có sách nói về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè và sách luận về văn hoá thưởng trà. Nhất là lúc bạn hữu ngồi với nhau, trò chuyện tâm giao, thường lấy ấm trà Thái Nguyên dưỡng chuyện, giữ khách. Cũng bởi chè Thái Nguyên có hương, vị khác biệt, làm bao du khách đến Thái Nguyên, “lỡ” uống một lần thì giống như đang yêu mà không được ở gần với người mình yêu.
Luận về trà, các nhà nông học cho rằng: Nhờ có thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè phát triển, nên sản phẩm chè của Thái nguyên trở nên đặc biệt hơn so với các vùng chè khác trong cả nước. Nhưng tôi nghĩ: Ngoài đất tốt, nước lành cho cây chè Thái Nguyên trở nên nổi tiếng, còn có sự cần mẫn, chuyên tâm của người làm chè. Hơn thế, trong chè Thái Nguyên còn ẩn chất, tích luỹ một niềm đam mê, trách nhiệm, gọi kín nhẽ là đạo đức, là lối làm ăn có lương tâm, trách nhiệm của người dân vùng chè.
Từ chừng trăm năm trước đây, quan niệm về đạo trà đã bắt đầu hình thành trên vùng đất Thái Nguyên. Đó là vào khoảng những năm chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914-1918), cụ Đội Năm cùng một số người dân Tân Cương đã tay nải, cơm nắm, vượt rừng sang Phú Thọ lấy hạt chè giống về trồng bên bãi soi bồi ven dòng sông Công, rồi lập xưởng chế biến, làm ra sản phẩm chè Cánh Hạc bán cho người Hà Nội, Hải Phòng và xuất khẩu sang Pháp. Đời người như tấc gang, mới đó đã trăm năm, từ ít vuông chè năm xưa, nay đã thành những nông trường, những hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè. Theo số liệu thống kể của cơ quan chức năng: Đến năm 2015, toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 18.000 ha chè, năng suất đạt hơn 100 tạ búp tươi/ha.
Trăm năm đi qua, cây chè vẫn gắn bó gần gũi với con người. Để mỗi ngày, nâng chén trà được thấy vị trà đằm ở môi, hương trôi về họng. Vậy mà ai nấy khát sự tục luỵ, thầm ghen với cây chè đã ở ngay trên cái gốc xù xì mà Xuân đến, Xuân qua cứ mơn mởn khoe sức trẻ. Cho mỗi sớm, lúc giọt sương còn đọng long lanh trên búp lá, hái mang về hãm thành chè tươi, hoặc đem sao xấy thành chè khô, pha uống đều cho con người sự cảm nhận lãng mạn, tỉnh táo.
Là nói cho phải đạo của người xứ trà, chứ để có được cái màu xanh diệp lục mỡ màng, chất chứa trong búp lá cái vị chát, ngọt hậu cùng thứ hương trời - đất quyện hoà làm mê mẩn tao nhân mặc khách, người trồng chè phải đánh đổi bằng rất nhiều công sức, mồ hôi, bón chăm, tưới tắm mới có ngày thu hái. Rồi lại ngồi ôm lấy bếp lò, sao chè bằng nhiệt, tách nước bằng tay với ngọn lửa than. Cho đến lúc thành chè mốc cau, thấy tròn cánh, trôi tay mới yên lòng mang phục vụ người tiêu dùng. “Cái” đạo trà được người dân vùng chè Thái Nguyên tạo dựng, gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Đạo trà vì thế ăn sâu vào tiềm thức, tư duy mỗi người, và luôn nhắc nhớ nhau gìn giữ, coi đạo trà là cái gốc nuôi sống dân vùng chè. Nhất là trong cơ chế thị trường hôm nay, lợi nhuận là quan trọng, nhưng không phải là tất cả với người dân vùng chè. Vì “cái” đạo trà không cho phép con người ta dễ dãi, làm ra những sản phẩm chè kém chất lượng rồi đóng gói bán cho du khách.
Cũng không đơn thuần trong đạo trà là tục vợ pha chè mời chồng; con pha chè mời cha; người dưới tuổi pha chè mời người cao niên, mà chén trà được coi là phương tiện hữu hiệu làm trong sạch tâm hồn. Mỗi chén trà dù nhỏ hay lớn cũng chứa đựng ở đó một khoảng thiên nhiên và nét đẹp văn hoá vô hình, làm lòng người đằm lại, nghĩ suy những việc nên làm hoặc đừng bao giờ làm - ấy là đạo trà của người dân vùng chè Thái Nguyên.