LỜI RU CỦA MẸ

Cập nhật: Chủ nhật 19/06/2022 - 19:39
 Minh hoạ: Thanh Hạnh
Minh hoạ: Thanh Hạnh

Mẹ tôi là một người bán rau ở ngoài chợ. Mẹ lấy chồng muộn, bố tôi lại mất sớm. Tuy chỉ có một mình vất vả ngược xuôi, nhưng mẹ vẫn lo cho hai anh em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Anh trai tôi học đại học ở Hà Nội, ra trường công tác tại một cơ quan ở Thủ đô, lấy vợ và định cư ở đấy.

Năm đó, mẹ tôi 60 tuổi. Dấu ấn của một thời lam lũ đã hằn rõ trên trên khuôn mặt và tấm thân gầy của mẹ. Bao nhiêu lần anh tôi ngỏ ý muốn đón mẹ về ở với anh chị nhưng mẹ viện lý do tôi còn đi học, nên phải chăm lo cho tôi.

Tuy sức khỏe không tốt nhưng tai thính, mắt tinh, mẹ vẫn đi chợ và làm việc nhà đâu ra đấy.

Khi chị dâu tôi có bầu cháu thứ hai, tự nhiên mẹ nói sẽ nghỉ không đi chợ nữa về Hà Nội trông cháu.

      Anh tôi vui lắm. Anh nói:

      - Vâng, con mong mẹ về ở với chúng con, cũng là để chúng con sớm hôm được chăm lo phụng dưỡng, làm tròn đạo hiếu.

      Nghe anh nói vậy mẹ rất mừng. Khuôn mặt mẹ rạng rỡ trẻ ra đến vài tuổi.

      Nhưng chỉ một tuần sau, bỗng mẹ xách túi quần áo trở về. Tôi sửng sốt chưa kịp hỏi thì mẹ đã lên tiếng:

      - Ở Hà Nội chật chội, mẹ không quen. Nếu không về, ở đó mẹ ốm mất.

      Mẹ không nói gì thêm nhưng tôi nhận thấy từ hôm xuống nhà anh chị về mẹ ít nói hẳn. Ánh mắt phảng phất nỗi buồn.

      Biết là có gì đó làm mẹ phật ý, tôi gặng hỏi. Mãi mẹ mới thủ thỉ:

      - Cách sống của anh chị con thay đổi quá nên mẹ không biết phải nói làm sao. Các con đều lớn lên theo những lời ru của mẹ. Thế mà khi mẹ hát ru thằng Nhím, chị dâu con lại bảo: “Thôi mẹ đừng hát nữa, để con bật nhạc Mozart cho cháu ngủ. Mà sao mẹ hát toàn những bài nhà quê thế?”. Anh chị con sống khác quá. Mẹ già rồi, lạc hậu, không theo kịp nữa rồi.

      Tôi thực sự choáng về những lời mẹ kể.

      Tôi đâu biết vào thời điểm đó, nhờ tài ngoại giao của chị dâu cộng thêm sự tác động của gia đình nhà vợ nên anh tôi đã thôi làm nhà nước, ra ngoài mở công ty riêng. Ban đầu anh cũng không muốn, nhưng chị dâu tôi vẫn một mực giữ nguyên ý định và thuyết phục anh nghe theo.

      Sau khi tâm sự ngọn ngành câu chuyện, tôi an ủi mẹ:

      - Mẹ, anh chị không thích nghe mẹ ru nhưng con thích lắm mẹ ạ.

Những ngày ôn bài để chuẩn bị thi đại học, nhiều áp lực, tôi như bị street. Mỗi lúc như vậy tôi lại nũng mẹ:

      - Mẹ, mẹ ơi! Con muốn ngủ lắm nhưng không ngủ được. Mẹ hát ru con nhé.

      Thế là tôi trèo lên giường, rúc vào nách mẹ. Mẹ ôm tôi vào lòng, phát nhẹ:

      - Sư bố chị! Cứ làm như mình còn bé lắm ý.

      - Mẹ ơi, con thích nghe mẹ hát ru, con sẽ không lấy chồng đâu, con sẽ ở với mẹ đến tận lúc già để được nghe mẹ ru, mẹ nhé!

      - Gớm tôi đang ôm quả bom nổ chậm đấy. Tôi chịu, chả nuôi nổi chị!

Nói vậy nhưng mẹ lại ôm tôi vào lòng, hai tay xoa xoa vào lưng tôi, à ơi những bài mà tôi đã từng nghe và thuộc lòng từ nhỏ.

Đôi lần, tôi lén lấy điện thoại ghi âm lại lời mẹ ru. Những lúc căng thẳng giữa các giờ học, tôi thường đeo tai nghe, mở những lời ru của mẹ để nghe, cảm giác áp lực giảm đi rõ rệt.

                                                           ***

Về phần anh tôi. Công việc làm ăn ban đầu có vẻ thuận lợi, anh tôi quyết định mở thêm chi nhánh tại miền Nam. Anh đem giấy tờ căn nhà đang ở đi cầm cố để hùn vốn chung với một người bạn. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính. Từ khi mở thêm chi nhánh trong Nam, hai năm liền bị ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 kéo dài, cửa hàng rơi vào tình cảnh ế ẩm, thời gian đóng cửa kéo dài, trong khi đó, lương công nhân vẫn phải trả, lãi ngân hàng ngày càng nhiều.

Cuộc sống của anh chị rơi vào bế tắc. Anh ngập trong những cơn say xỉn triền miên. Còn chị dâu tôi, sau khi sảy thai đứa thứ hai thì thường xuyên vắng nhà.

Cuộc hôn nhân của anh chị tôi trở thành những cuộc cãi vã không hồi kết. Một ngày, chị dâu tôi đề nghị chia tay, nói đã hết tình cảm với anh tôi và đi theo chính người bạn cùng hùn vốn kia.

Sự tan vỡ của gia đình anh chị tôi như một cú giáng vào tấm thân còm cõi của mẹ. Không gượng được nữa mẹ đã đi theo bố. Trước khi nhắm mắt mẹ nắm lấy tay tôi nghẹn ngào:

      - Con hãy nói với anh con, mẹ để lại một phần ba mảnh đất này cho con. Còn ngôi nhà và mảnh đất còn lại, mẹ đã di chúc lại cho anh trai con và thằng Nhím. Chỉ tiếc là mẹ không thể di chúc cho anh con và thằng Nhím những lời ru. Con hãy nói với anh con nuôi dạy thằng Nhím nên người và thỉnh thoảng con hãy hát cho nó nghe những lời ru con nhé.

Mẹ tôi ra đi lòng không hề thanh thản. Khi mẹ đi rồi tôi gọi anh về đưa cho anh bản di chúc của mẹ. Anh tôi khóc ngất. Anh lao vào đi làm để kiếm tiền trả nợ. Tôi gợi ý cho anh quay về chuyên môn cũ, vì tôi hiểu anh là một chuyên viên kỹ thuật giỏi. Cuộc sống của anh và cu Nhím cũng dần đi vào quỹ đạo. Anh tôi đã phục hồi lại được kinh tế và công việc. Còn tôi cũng đã ra trường và xin được việc làm.

                                                    ***

Hôm nay cũng như mọi Chủ nhật, tôi mua một ít trái cây về thắp hương cho bố mẹ. Tiện thể về qua cho cu Nhím mấy quyển tập tô.

Đến đầu ngõ, bất chợt chân tôi khựng lại. Vẳng bên tai tôi là tiếng ru của mẹ. Tôi vội ngó qua cửa sổ, thấy cu Nhím đã ngủ từ lâu, còn anh vẫn ngồi trầm mặc trước máy nghe nhạc, nước mắt rưng rưng. Từ chiếc máy nghe, tiếng ru của mẹ vẫn cất lên nhẹ nhàng:

Mẹ còn là cả trời hoa

Cha còn là cả một tòa kim cương

Mẹ già một nắng hai sương

Trải thân làm bóng mát đường con đi

Tôi thầm nghĩ ở trên cao xanh kia, mẹ tôi chắc cũng đã yên lòng vì lời ru của mẹ đã lại trở về bên chúng tôi. Dịu dàng, mền mại, thì thầm và như chưa bao giờ xa cách.

Truyện ngắn của Võ Thị Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: