Một thời mãi nhớ
Ngồi đọc và ngắm tờ báo Thái Nguyên, lòng tôi lại rộn ràng niềm vui về sự trưởng thành của tờ báo Đảng bộ tỉnh. Từ tờ báo khổ nhỏ, tuần ra hai kỳ, nay là tờ báo ra hàng ngày, khổ rộng, in màu, nội dung phong phú, trình bày khá đẹp, thoáng, trông không khác các báo Trung ương. Ngoài báo hàng ngày còn có báo Chủ nhật, Hằng tháng và Báo Thái Nguyên điện tử… Những lúc như vậy cũng lại lần lượt hiện lên trong tôi kỷ niệm không thể quên về những ngày làm báo thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Rào! Rào, rào! Rào…
Đó là tiếng của những mảnh đạn pháo ta bắn máy bay Mỹ rơi trên nắp hầm và mặt đất nơi chúng tôi làm việc. Tên lửa đỏ lừ đuổi máy bay, giặc lái nhảy dù, chúng tôi đều được chứng kiến. Những hôm máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày trên bầu trời Bắc Thái, chúng tôi làm ngày không đủ, phải tranh thủ làm đêm. Không điện, với chiếc đèn dầu nhỏ chụp kín, không để lọt ánh sáng ra ngoài, đề phòng máy bay “cánh cụp, cánh xòe” nhòm ngó, anh em miệt mài viết tin, sửa bài để kịp báo ra đúng kỳ. Làm việc khuya, đói bụng, chúng tôi rủ nhau ra đồi nhổ sắn tăng gia tự túc, về luộc ăn cho đỡ đói, để tiếp tục làm việc.
Thời gian địch đánh phá ác liệt cầu Gia Bẩy, vào giờ cao điểm, có hôm chúng tôi phải vác xe đạp vượt qua cầu, lên Nhà in Khu ở Khe Mo, xa gần hai chục cây số. Ban ngày, bà con sơ tán, từ Đồng Quang đến Chùa Hang đường không một bóng người.
Đói rét, bom đạn… nhưng anh chị em trong cơ quan vẫn vui vẻ, hăng say công tác. Ngoài những nỗ lực của bản thân, chúng tôi còn được sự giúp đỡ, động viên của bà con xã Quyết Thắng - nơi cơ quan sơ tán. Các gia đình cụ Tính, ông Hảo, ông Nghĩa, bà Ý… đã nhường chỗ cho cơ quan ở nhờ lúc mới đến, cho mượn đất trồng sắn, ủng hộ tre làm hầm trú ẩn và bắc giàn trồng bầu, mướp tự túc. Có lần bà Hảo nói với tôi giọng chân thật của một nông dân:
- Nhà báo cũng vất vả nhỉ! Bom đạn thế, người ta chạy đi, mình lại phải đến để chụp ảnh, viết bài.
Chúng tôi cũng rất tự hào về tờ báo Bắc Thái được Trung ương xếp vào loại khá so với các báo địa phương. Tại Hội nghị báo chí miền núi do Trung ương tổ chức năm 1967, Báo Bắc Thái có hai bài xã luận được nêu gương điển hình, một bài của nhà báo Văn Nhân, một bài của nhà báo Lương Ngọc Giác. Khoa Báo chí (nay là Học viện Báo chí và Truyền thông) Trường Tuyên huấn Trung ương đã mời đại biểu Báo Bắc Thái về báo cáo kinh nghiệm viết tin, bài. Báo còn được cử đại biểu đi tham quan nước Cộng hòa Dân chủ Đức, được Hội Nhà báo Việt Nam tặng hai xe máy…
Tòa soạn Báo Thái Nguyên, số 10 đường Nha Trang (TP. Thái Nguyên) - Nơi gắn bó của nhiều thế hệ những người làm báo.
Trong công tác, có những lúc gặp khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi, tôi lại nhớ đến lời Bác dạy tại Đại hội các nhà báo Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức tháng 9-1962 tại Hà Nội. Bác nói đại ý: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…”.
Tôi may mắn là đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự và là một trong hai người đầu tiên của tỉnh được kết nạp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tại Đại hội này. Đinh ninh lời Bác, tôi đã không ngừng học tập: Học Khoa Báo chí Trung ương đạt học viên xuất sắc; học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đạt khá, giỏi. Với những cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của tập thể, nhiều khóa tôi tham gia cấp ủy Đảng, rồi làm Bí thư Chi bộ và là một trong những đồng chí lãnh đạo Báo Bắc Thái lúc bấy giờ…
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Báo Thái Nguyên (25/8/1962 - 25/8/2022), trong đó có 31 năm là Báo Bắc Thái (1965-1996), tôi viết những dòng này chia sẻ với các bạn đồng nghiệp trẻ, cùng vui vẻ học tập lẫn nhau. Tôi luôn tâm đắc một điều: Trên con đường đi tới thắng lợi, không có bước chân của những người hèn nhát và lười biếng,
Chúng ta hãy cùng nhau vững bước tiến lên theo lời dạy của Bác.