Hướng tới Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015:
Người phụ nữ tâm huyết với sản phẩm chè an toàn
Bà Đỗ Thị Hiệp (người ngoài cùng bên trái), Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương đang say sưa giới thiệu cho du khách về quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified. |
Nói đến địa chỉ sản xuất chè an toàn ở Thái Nguyên, người ta không thể không nhắc đến Hợp tác xã (HTX) Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên). Đây là HTX chè đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified (Tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu). Để thương hiệu chè Tân Hương có được tiếng vang và chỗ đứng vững chắc trên thị trường như hiện nay là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của bà Đỗ Thị Hiệp, người nữ Chủ nhiệm HTX năng động, nhiệt tình và tâm huyết với nghề…
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Đỗ Thị Hiệp ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) khi trời đã nhá nhem tối. Sau một ngày tất bật với những công việc của HTX để chuẩn bị cho Festival Trà sắp tới, bà Hiệp lại trở về nhà và bắt tay ngay vào việc chế biến sản phẩm chè của gia đình mình. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp bà đó là một người phụ nữ ngoài 60 tuổi, dáng người, nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và có giọng nói sang sảng… Vừa trò chuyện, bà vừa nhanh tay kiểm tra lại mẻ chè vừa mới sao. Bà kể: “Tôi sinh ra ở xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), đến năm 1975 thì về làm dâu ở mảnh đất này. Kể từ đó, cuộc đời tôi gắn liền với cây chè và nghề làm chè. Tròn 40 năm gắn bó với nghề, mọi thăng trầm, biến cố của cây chè trên vùng đất này tôi đều được chứng kiến...”
Trước đây, cây chè chưa được trồng thành hàng hóa như bây giờ. Phải từ những năm 1990 trở đi, khi các giống chè lai, chè cành được người dân đưa vào trồng rộng rãi thì nghề làm chè mới thực sự phát triển. Ở xã này, hầu như gia đình nào cũng trồng chè, nhà nào ít thì 2-3 sào, nhiều thì hàng mẫu. Tuy nhiên, thời điểm đó, do chưa xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm chè của bà con làm ra tiêu thụ rất kém, giá thành lại thấp. Người nông dân dù quanh năm vất vả nhưng thu nhập từ cây chè cũng chẳng đáng là bao.Vì thế, những năm 1998-1999, không ít gia đình ở Phúc Xuân đã phá bỏ bớt diện tích chè để trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. Cây chè đứng trước nguy cơ dần bị xóa sổ. Trước thực tế đó, là người tâm huyết với cây chè của quê hương, bà Hiệp đã đến một số hộ gia đình vận động bà con thành lập HTX để cùng nhau liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng hơn rồi từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của địa phương. Nhờ có sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Solidaridad của Canada, tháng 5-2000, HTX Chè Tân Hương đã được thành lập với 32 xã viên là những hộ trồng và chế biến chè trên địa bàn xã Phúc Xuân. Bà Đỗ Thị Hiệp được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Chủ nhiệm HTX.
Ngày đầu mới thành lập, HTX gặp vô vàn những khó khăn do không có thị trường tiêu thụ lại thiếu vốn sản xuất… (số vốn ban đầu chỉ có hơn 6 triệu đồng). Là người tận tâm với công việc, Bà Hiệp đã phải lặn lội về tận Hà Nội, Hải Dương đến Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành phía Bắc để tiếp thị, tìm kiếm bạn hàng. Nhờ đó, HTX từng bước vượt qua khó khăn và dần đi vào hoạt động ổn định. Đến năm 2005, HTX thu hút trên 70 xã viên tham gia với tổng sản lượng chè tiêu thụ đạt gần 15 tấn chè búp khô/năm. Những tưởng khó khăn đã qua đi thì thách thức mới lại đến với HTX Chè Tân Hương. Năm 2010, tin đồn về “chè bùn”, “chè bẩn” xuất hiện ở Thái Nguyên khiến cho người trồng chè trên địa bàn tỉnh nói chung và xã viên HTX Chè Tân Hương nói riêng rơi vào tình cảnh lao đao, khốn đốn. Sản phẩm chè làm ra không tiêu thụ được, chất thành từng đống trong nhà. Một thời gian sau, gần nửa số lượng xã viên lặng lẽ rời khỏi HTX. Khó khăn chồng chất nhưng với bản lĩnh của mình, người nữ Chủ nhiệm HTX tâm huyết, năng động quyết không chấp nhận bỏ cuộc.
Sau nhiều đêm trăn trở, bà Hiệp suy nghĩ: Muốn gây dựng được thương hiệu đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thì nhất thiết phải sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn an toàn, phải tạo sản phẩm sạch, có chất lượng cao và được tổ chức có uy tín cấp chứng nhận. Với suy nghĩ đó, bà cùng với Ban Chủ nhiệm HTX đã tìm tòi, nghiên cứu và quyết định lựa chọn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified để áp dụng cho sản phẩm chè của HTX. Áp dụng quy trình sản xuất này, người nông dân phải tuân thủ rất nhiều quy định khắt khe từ trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến, đóng bao bì… đều theo một dây chuyền khép kín. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế đem lại thì chưa biết sẽ như thế nào, chính vì vậy, bà Hiệp phải mất không ít thời gian và công sức để vận động, thuyết phục các xã viên áp dụng theo cách làm mới này.
Sự vất vả, gian nan của bà Hiệp cùng hơn 40 xã viên của HTX cuối cùng được đền đáp xứng đáng.Sau khi được cấp Chứng nhận Quốc tế UTZ Certified vào cuối năm 2011, sản phẩm chè của HTX được khách hàng ở nhiều nơi biết đến và tin dùng. Chè của HTX làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó với giá bán trung bình từ 250-300 nghìn đồng/kg (cao hơn những vùng chè khác từ 20-30%). Hiện nay, sản phẩm chè an toàn của HTX không chỉ gây dựng được thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước mà đã bắt đầu được một số doanh nghiệp đặt hàng xuất khẩu. Doanh thu năm 2014 của HTX đạt 5 tỷ đồng; dự kiến năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ đồng. Thu nhập của xã viên đạt 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Nói về người Chủ nhiệm HTX của mình, chị Đỗ Thị Mười, xã viên HTX Chè Tân Hương tự hào cho biết: Chị Hiệp là người Chủ nhiệm gần gũi, năng động, nhiệt tình và có trách nhiệm trong công việc nên được chúng tôi rất tín nhiệm. Nhờ có chị mà đời sống của bà con xã viên ngày càng được nâng cao hơn…”.
Với những đóng góp không biết mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể và gây dựng thương hiệu chè an toàn Tân Hương, năm 2014, bà Đỗ Thị Hiệp vinh dự trở thành 1 trong 10 cán bộ quản lý HTX tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ đặc cách tặng Bằng khen. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì bản thân đã làm được, dù năm nay đã bước sang tuổi 62, bà Hiệp vẫn hằng ngày tận tụy với công việc. Bà luôn tâm niệm rằng: “Còn rất nhiều việc còn phải làm ở phía trước nhưng những kết quả đạt được hôm nay là động lực to lớn để tôi tiếp tục vững bước trên con đường đưa sản phẩm chè an toàn của Tân Hương nói riêng và của Thái Nguyên nói chung ngày càng vươn xa hơn…”