Sử dụng dịch vụ công trực tuyến để phòng dịch bệnh
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngày 30/3/2020 vẫn có rất nhiều người dân đến bộ phận "Một cửa" của T.P Thái Nguyên nộp hồ sơ. |
Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ lây nhiễm cao khi có lượng lớn đại diện các tổ chức, công dân có nhu cầu đến cơ quan Nhà nước giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hàng ngày. Do vậy, việc khuyến khích người dân tăng lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình giải quyết TTHC để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 là rất cần thiết...
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tuyến. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nhưng cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến này sẽ đem lại hiệu quả và sự hài lòng đối với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong các giao dịch TTHC vì đã giảm thiểu thời gian đi lại và các chi phí khác. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát thì việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ giảm thiểu tối đa lượng người đến các cơ quan Nhà nước, từ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa công dân, cán bộ thường trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính.
Mặc dù những tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến đem lại cho người dân và doanh nghiệp là rất lớn nhưng do thói quen nên đại diện các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vẫn đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC để nộp hồ sơ, nhận lại kết quả. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã, đang đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đối với 263 dịch vụ công. Nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, hiệu quả chưa cao, thậm chí nhiều nơi không tiếp nhận được hồ sơ nào giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Trong năm 2018, tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 3.500/33.680 hồ sơ; số hồ sơ tiếp nhận và xử lý qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 900 hồ sơ. Năm 2019 và quý I-2020 tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến có tăng nhưng không đáng kể và chỉ tập trung vào một số thủ tục, như: Kê khai các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp; cấp đổi giấy phép lái xe; cấp hộ chiếu… Riêng việc giải quyết các TTHC về đất đai, cấp phép kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp; xây dựng tại 9 huyện, thành, thị vẫn chưa có nhiều TTHC cấp độ 3, 4 được thực hiện.
Qua khảo sát của phóng viên Báo Thái Nguyên trong những ngày cuối tháng 3-2020, tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả TTHC của UBND T.P Thái Nguyên và một số huyện, thị vào đầu giờ làm việc buổi sáng, đầu giờ buổi chiều hàng ngay vẫn đông kín người dân, đại diện các tổ chức đến nộp hồ sơ, nhận kết quả TTHC. Mặc dù, đa số người dân đã chấp hành việc đeo khẩu trang, vệ sinh bằng nước khử trùng trước khi giao dịch nhưng do lượng người tập trung đông nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần triển khai thực hiện nghiêm túc việc giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện các giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về phía Sở Thông tin và Truyền thông; các ngành chức năng liên quan, UBND 9 huyện, thành, thị đã, đang tăng cường cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin; xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVC.thainguyen.gov.vn) nhằm kết nối phần mềm hệ thống giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh… Bưu điện tỉnh đã, đang bố trí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của đại diện tổ chức, cá nhân thực hiện việc nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến, kể cả ở vùng sâu, vùng xa.
Để tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số CCHC, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phòng chống dịch COVID-19, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ TTHC. Đại diện các tổ chức, người dân trong tỉnh cũng nên mạnh dạn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC để tiết kiệm thời gian, chi phí, phòng chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của Chính phủ.