Ngoài các vị thuốc bằng cỏ cây, rễ, lá, củ…, người ta còn lấy một số bộ phận qúy hiếm của các con vật ở trên cạn, dưới nước và dưới đất. Song cũng có loại thuốc lấy ngay ở trong nhà, trong bếp, thậm chí có cả trong các loại chất thải của con người, như nước tiểu, rốn của trẻ sơ sinh hoặc trong sữa của các bà mẹ… Có thể chia làm 3 loại: Thuốc bổ, thuốc độc và thuốc chữa bệnh.
- Thuốc bổ chủ yếu dùng đề hồi sức, giúp ăn ngon, ngủ khỏe và trên cơ sở đó tăng sức đề kháng của cơ thể, chống các bệnh tật. Thuốc bổ có nhiều loại, tùy theo nhu cầu của người dùng. Để tăng sức khỏe cho người bình thường, đồng bào uống rượu ngâm với nhiều vị thuốc bổ. Chẳng hạn như rượu ngâm với tiết con tê tê, tiết con sơn dương, nhung hươu, đặc biệt là cao huyết lình (huyết của loài khỉ đọng lại trên khe, tảng đá),… Người ta lấy rễ cây sâm rừng hoặc rễ loại cây có lá giống như rau đay nhưng mặt dưới trắng có hoa như bông kê rửa sạch, chặt nhỏ ngâm với rượu để uống dần, nhất là vào những lúc mệt nhọc. Thông thường, những người ít uống rượu thì lấy củ tam thất nghiền nhỏ nấu với thịt hoặc hấp mềm để ăn.
- Thuốc độc là loại thuốc để diệt trừ chim thú, sâu bọ hoặc bả cá…, ít được truyền cho nhau nên hiện nay cũng rất ít người biết chế biến, ít sử dụng đến. Các loại cây có quả, rễ, lá, vỏ hoặc hoa như cây xương rồng, ớt, cây sui, nước tiểu, nước tro bếp đều có thể dùng đề pha chế thuốc độc. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà cách pha chế thuốc độc cũng khác nhau.
- Thuốc trị bệnh là những vị thuốc đa dạng và được truyền cho nhau rộng rãi. Hầu như các loại cây cỏ có vị đắng, chát, ngọt,… và các bộ phận hiếm của động vật như mật gấu, dạ dầy nhím, mật trăn, đuôi cá,… đều được người Nùng sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Chẳng hạn vỏ cây vông kết hợp với lá cây dứa dại đỏ để chữa bệnh trĩ; cây giun đất dùng chữa bệnh sởi; hoa chuối dại kết hợp với nhiều vị thuốc khác dùng chữa bệnh đau tim, trứng gà kết hợp với nhiều vị thuốc lá để chữa bệnh hen, lá ổi đun sôi để chữa bệnh đau bụng đi ngoài,… Thuốc thường được chế biến qua nhiều khâu như sấy hoặc phơi khô, băm nhỏ, đun nấu,… nhưng nhất thiết phải biết kết hợp nhiều cây theo một tỷ lệ nhất định thì mới trở thành một bài thuốc để chữa có hiệu quả cho một loại bệnh. Ví dụ, bị đau dạ dầy lâu năm không khỏi thì dùng các vị thuốc gồm dạ dày nhím, màng của mề gà, nghệ vàng loại đốt ngắn, tất cả được lấy theo một tỷ lệ nhất định đem phơi khô, tán nhỏ trộn với mật ong rừng để ăn dần vào lúc đói, kết quả thật công hiệu.
Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn những cây thuốc thông dụng hoặc quý hiếm của đồng bào Nùng ở Thái Nguyên cũng như của người Nùng ở nước ta thường không có tên. Người ta chỉ gọi tên cây thuốc theo công dụng của nó, chẳng hạn “cây thuốc chữa gãy xương”, “cây thuốc chữa bong gân”…, cũng có trường hợp có tên và đó là những loại cây vẫn hái về làm thức ăn hàng ngày, cây ăn quả, những cây có công dụng thường nhật. Để truyền cho nhau, bằng cách nhận mặt cây, mặt lá nên việc liệt kê các loại thuốc của người Nùng là một việc làm hết sức khó khăn. Đáng chú ý là việc lấy, hái thuốc của đồng bào thường chỉ tiến hành vào những ngày lẻ, lúc sáng sớm hoặc chiều tối, còn buổi trưa thì hầu như kiêng kỵ. Người ta cho rằng, lấy thuốc vào buổi trưa thì thuốc sẽ không công hiệu.
Nhìn chung, cách chữa bệnh của đồng bào Nùng không phức tạp lắm, trước tiên là phán đoán bệnh và dựa vào thực trạng của bệnh, sức khỏe, tuổi tác của bệnh nhân mà lấy thuốc.
Các thầy thuốc người Nùng ở Thái Nguyên chưa coi việc cắt thuốc, chữa bệnh là một nghề mà thường chữa bệnh tùy tâm, không mặc cả về tiền công. Thường họ chỉ nhận được một ít lễ vật mà bệnh nhân mang đến tạ lễ sau khi đã khỏi bệnh. Nếu thời gian chữa lâu và tốn kém thì số lễ vật thường là một con gà trống thiến hoặc một con lợn con, 2 ống gạo, từ 0,5 đến 1 sải vải và từ 10-20 nghìn đồng; còn chữa bệnh thông thường thì chỉ cần một con gà và từ 5-10 nghìn đồng để tạ lễ. Mặc dù tốn nhiều công sức và thời gian nhưng không chữa khỏi hoặc bệnh không đỡ thì thầy thuốc không được tạ lễ. Song, nhiều khi thầy thuốc còn phải cơm nước cho người nhà của bệnh nhân ở xa đến nghỉ chờ lấy thuốc. Thông thường, người ta chỉ chữa bệnh cho người nhà và anh em làng xóm, còn người làng khác không quen biết thì tùy theo bệnh và kinh nghiệm, khả năng cứu chữa của thầy thuốc, nếu cảm thấy bệnh phức tạp và khả năng cứu chữa có hạn thì thầy thuốc sẽ giới thiệu bệnh nhân sang thầy thuốc khác có nhiều kinh nghiệm hơn. Trường hợp không còn cách nào khác thì thầy thuốc vẫn phải dày công nghiên cứu và tìm cách chạy chữa để vừa làm tròn trách nhiệm vừa giữ uy tín.