Thông thường, mỗi bản của người Dao gồm từ 15-30 nóc nhà. Việc phân bố dân cư trong từng bản phụ thuộc vào địa hình, phạm vi đất đai. Chẳng hạn, người Dao ở xóm Cộng Hòa (xã Động Đạt, Phú Lương) tụ cư rất tập trung, trong khi đó, người Dao ở xóm Sự Thật (xã Quy Kỳ, Định Hóa) hoặc xóm Tân Đào (xã Tràng Xá, Võ Nhai) lại cư trú khá phân tán. Hiện nay, cơ sở của việc cư trú phân tán không phải do kinh tế nương rẫy mà là được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ. Cư trú phân tán tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, cải tạo ruộng nương, phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, nó cũng gây khó khăn đối với việc cung cấp các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế)…
Tập quán chọn nơi dựng nhà ở
Theo quan niệm cổ truyền của người Dao, ngôi nhà lý tưởng phải được xây dựng ở nơi cao ráo, cho phép quan sát được khoảng không gian rộng, thuận lợi cho việc làm ruộng nương, có nơi để buộc trâu bò, không thiếu nước ăn trong mùa khô. Họ thích dựng nhà ở gần rừng, bởi rừng là nguồn tài nguyên quyết định mức sống cũng như thời gian cư trú của các gia đình trong bản. Rừng cung cấp đất canh tác, cung cấp rau, củ quả, muông thú, vật liệu để làm nhà… Châm ngôn Dao có câu “Chảm mài kềm lải mài miền” (ở đâu có rừng ở đó có người Dao). Câu nói này không chỉ phán ánh tập quán bám lấy rừng núi để cư trú, mà còn nói lên tầm quan trọng của rừng đối với đời sống kinh tế của các bản người Dao.
Trong xã hội cổ truyền, đủ rừng thì người Dao có cuộc sống kinh tế tự cấp tự túc khá ổn định, rừng thu hẹp buộc họ phải đi tìm nơi sinh sống mới. Tập quán du canh du cư chạy theo rừng núi là truyền thống ứng xử với tự nhiên của họ. Trong Quá sơn bảng văn (Bình Hoàng khoán điệp) hiện được lưu giữ ở một số gia đình người Dao các xã Vũ Chấn (Võ Nhai), Quân Chu (Đại Từ) có đoạn viết:
… Bình Hoàng khoán điệp được phát xuống 13 tỉnh và các nơi, ghi tên sông núi cho con cháu Bàn Vương được khai phá… Tất cả núi và ruộng thuộc những núi kể trên đều giao cho con cháu Dao Vương cai quản, kinh doanh sinh sống. Con cháu Dao Vương sinh sống nhờ núi rừng được miễn các thứ thuế và tạp dịch…
… Triều đình cho phép con cháu Bàn Vương khai phá núi Cối Kê bằng cách đao canh hỏa chủng, trồng lúa nếp và các thứ ngũ cốc nuôi thân, về sau này người đông đất bạc màu hết đất làm ăn một nhà chia làm nhiều nhà, lệnh nhà vua cho phép di chuyển nơi khác chọn núi rừng làm ăn…
Trong bản thứ 2 của Bình Hoàng khoán điệp mà người Dao thường gọi là Qua hải đồ cũng có đoạn viết: Báo cho các quận, các ty được biết, Sơn Tử là con cháu Bàn Vương quá quan không cầu dấu, qua đò không cần tiền, nếu có ai không tuân theo, ngăn cản cho phép xử phạt. Tất cả trong núi và ngoài núi có các thứ của rừng, tre, mây, song, đầm, ao đều là đất trồng trọt của tổ tiên Sơn Tử (Dao) nay cho phép sử dụng, các quan, thứ dân không được xâm phạm.
Ở một số sử sách khác của người Dao, như cuốn Tôm chiáo sâu, văn khấn cùng Bàn Vương và lễ cấp sắc cũng thấy đề cập đến việc người Dao sống du canh, du cư, dựa vào rừng và núi để sinh tồn. Hiện nay, do rừng cạn kiệt, đất bị xói mòn và cuộc vận động thực hiện định canh, định cư… đã làm thay đổi tập quán cư trú, bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội của người Dao ở Thái Nguyên.